Tìm kiếm Blog này

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
TIỀN BẠC CHI TIÊU RỒI CŨNG HẾT, CHỮ ĐỂ MAI SAU NGHĨA MÃI CÒN

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

TRUYỀN BÁ

TRUYỀN BÁ


Theo Từ  điển thư tịch báo chí Việt Nam của tác giả Nguyễn Thành (NXB Văn hóa thông tin 2001) thì báo Truyền bá là tập báo của tuổi trẻ, xuất bản mỗi tháng 2 kì vào ngày 10 và 25.
Chủ nhiệm: Vũ Đình Long
Tòa soạn: 93 phố Hàng Bông
In tại nhà in Tân Dân, khổ 185x115mm
Báo Truyền Bá ban đầu ra ngày 10 và 25, sau ra ngày thứ năm. Mỗi số 26 trang, đăng hết một truyện dài, một truyện ngắn và nhiều bài có ích cho trẻ em.
Hiện ở Thư viện quốc gia Việt Nam chỉ còn lưu giữ được một số Truyền Bá duy nhất. Chúng tôi nghiên cứu ấn phẩm này dựa trên những tài liệu và hình ảnh do nhà sưu tầm sách Nguyễn Tiến Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh cung cấp.
Đây là tớ báo dành cho nhi đồng với khuynh hướng giáo dục đạo đức và lối sống rất rõ. Chúng tôi xin trích lời mở đầu trên Truyền Bá số 1 như dưới đây (những chỗ in đậm là do chúng tôi nhấn mạnh – V.Đ.H):
“Truyền bá” là báo của tuổi trẻ, tuổi sung sướng.
Những truyện và những bài báo của Truyền bá đều quy vào một mục đích này: Giáo dục.
Giáo dục, nhưng giáo dục một cách vui vẻ, chứ không khắc khổ, khô khan. Các bạn trẻ sẽ chơi mà học.
Những nhà báo và những nhà văn hằng lưu tâm đến vấn đề giáo dục nhi đồng sẽ cộng sự với chúng tôi. Chúng tôi muốn làm một công việc có ích cho cái thế hệ đang chớm nở.
Ở nước nào cũng vậy người ta đều để hết cả hy vọng vào những “người tương lai” đó. Óc họ hãy còn trong trắng, những điều họ thấy và họ đọc bây giờ sẽ ảnh hưởng mãi mãi đến tâm hồn họ. Có người đã già rồi vẫn chưa quên những cảnh, những tranh, những truyện đã in vào tâm hồn mình từ lúc thiếu thời.
Bởi vậy chúng tôi rất thận trọng trong công việc làm báo này. Trẻ em sẽ tin cậy được Truyền bá như tin cậy một người anh cả. Mà những người đã quá tuổi trẻ rồi sẽ thấy ở đây hình bóng cả một thời kỳ mình đã trải qua. Họ sẽ thấy trẻ lại. Sống lại những giây phút cái thời kì thơ ấu, người ta sẽ nhận thấy cái tâm hồn trẻ em rõ rệt hơn; do đó sẽ “hiểu” trẻ em hơn và gây cho trẻ em một giáo dục hoàn toàn hơn.
Những gia đình lễ giáo, tha thiết với trẻ em, sẽ là bạn của Truyền bá vậy.
Truyền bá ngoài phần tiểu thuyết ra, còn có nhiều mục vui, nhiều bài bổ ích trực tiếp đến sự học và sự biết. Mỗi kỳ sẽ có một truyện cổ tích, hoặc về du lịch, hoặc về thám hiểm, hoặc về danh nhân. Các bạn lại còn có thể tìm thấy ở đây nhiều trò chơi giải trí và nhiều câu đố nữa.
Phần tiểu thuyết nhiều trang hơn, để các trẻ em thấy vui nhiều mà ham đọc. Nhưng các mục khác in chữ nhỏ, cỡ rộng, một trang bằng hai ba trang kia cũng chiếm một phần khá quan trọng trong báo này.
Những giờ nhàn rỗi, bực làm cha mẹ nghe con đọc truyện Truyền bá và giở những trò chơi, câu đố ra thử con cái trong nhà vui vẻ, còn có gì ích lợi và sung sướng cho bằng.
TRUYỀN BÁ
Với tư cách là một giáo học, trên Truyền Bá số 1 Vũ Đình Long đã nêu ra mục đích và tôn chỉ của tờ báo này như sau:
BỨC THƯ NGỎ
Cùng các ông giáo, bà giáo, các ông đốc, bà đốc các trường công, tư ở khắp cõi Đông Dương,
Trước khi phát hành báo Truyền bá, một tập báo của tuổi trẻ, tôi thành tâm gửi một số đầu kính tặng tất cả những bạn đồng nghiệp cũ của tôi ở khắp cõi Đông Dương -  tôi muốn nói tất cả các ông giáo, bà báo và tất cả các ông đốc, bà đốc trường công và trường tư (1).
Báo Truyền bá đăng những tiểu thuyết giáo dục, những truyện danh nhân, những truyện du lịch, thám hiểm, phát mình, những thường thức bạn trẻ cần biết bằng những câu hỏi và trả lời (Ở đâu? Tại sao? Ai? Thế nào?), những trò chơi giải trí, v.v...
Một tập báo như thế thiết tưởng rất có ích cho trẻ em các học đường và đáng là người bạn tốt của các nam nữ học sinh ngoài giờ học tập.
Những sách  báo như thế thiết tưởng rất có ích cho trẻ em các học đường và đáng là người bạn tốt của các  nam nữ học sinh ngoài giờ học tập.
Những sách và báo bằng quốc văn viết riêng cho tuổi trẻ còn hiếm lắm, các trò em ham đọc, gặp gì đọc nấy, thậm chí đọc cả những báo và tiểu thuyết viết cho người lớn, rất là có hại.
Là một giáo viên hưu trí, tôi xuất bản tập báo nhi đồng này có ý muốn tiếp tục việc giáo dục đàn trẻ am mà tôi rất yêu mến và tôi đã được hiểu biết trong hai mươi năm dạy học.
Tôi gởi tập báo này đến kính tặng các bạn để cùng các bạn nhắc nhở cái tình đồng nghiệp mà tôi không bao giờ có thể nhãng quên và để xin các bạn chỉ giáo cho điều hơn lẽ thiệt, cho tập báo của tuổi trẻ này có ngày được hoàn toàn.
Các bạn nên coi báo Truyền bá này là cái công cuộc chung của chúng ta, công cuộc bổ túc cho học đường ở ngoài học đường, như vậy các bạn sẽ thấy vui vẻ hợp tác với chúng tôi về mọi phương diện.
VŨ ĐÌNH LONG
Giáo học hưu trí
Chủ nhiệm nhà in Tân Dân, báo Truyền Bá, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Phổ Thông Bán Nguyệt San.”
Để cổ động hơn nữa cho sự liên hệ mật thiết giữa nhà trường, gia đình và Truyền Bá, nhà Tân Dân có những cách làm rất hiện đại là treo những giải thưởng cho học sinh và tham gia vào các hoạt động khuyến học tại các trường công, tư thục:
“Những giải thưởng của Truyền Bá
Muốn có liên lạc mật thiết với các học đường, chúng tôi sẽ thường thường đặt ra những giải thưởng cho tất cả các trường công, trường tư trong nước.
Giải thưởng thứ nhất tặng người học trò ngoan nhất trường. Thể lệ sẽ đăng ở số sau.
Truyền Bá dự vào các cuộc phát thưởng
Những trường công và trường tư sẵn sàng hợp tác với Truyền Bá, Truyền Bá sẽ tặng nhiều phần thưởng vào dịp những trường ấy tổ chắc phát thưởng cuối năm học.”
 Đội ngũ các cây bút chủ lực viết cho Truyền Bá gồm: Thâm Tâm, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Vũ Bằng, Lê Văn Trương, Ngọc Giao, Thanh Châu...

© 2012 Blog NXB Tân Dân

1 nhận xét:

  1. Cám ơn tác giả đã giới thiệu ngắn gọn mà đầy đủ về tờ báo Truyền bá.

    Trả lờiXóa