Tìm kiếm Blog này

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
TIỀN BẠC CHI TIÊU RỒI CŨNG HẾT, CHỮ ĐỂ MAI SAU NGHĨA MÃI CÒN

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Lời mở đầu tạp chí Tao Đàn

Dưới đây là nguyên văn bài "Cùng bạn đọc" của tạp chí Tao Đàn, đăng trên số 1 ra ngày ra ngày 1/3/1939. Qua bài viết chúng ta nhận thấy rất rõ ràng khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa tích cực của Tao Đàn mà nói rộng ra là của Tân Dân. Chúng tôi xin trích nguyên văn, những phần in đậm là do chúng tôi nhấn mạnh.
Bìa cuốn Tao Đàn số 1

 Cùng bạn đọc
Tình trạng thế giới hiện nay ví như một cuộc hội nghị lớn lao và ầm ĩ, trong đó người Việt Nam không được phép dự một nhời bàn. Thực là tủi nhục cho cái dân tộc đã có bốn ngàn năm lịch sử.
Sự tủi nhục đó nguyên do bởi đã thiếu một nền văn hoá. Thực vậy, dân tộc Việt Nam chưa từng có một nền văn hoá riêng. Về tư tưởng, về tôn giáo, về nghệ thuật cũng như về văn chương, dân mình, từ trước, vẫn chỉ sống với một mớ ý niệm tự Tàu đem sang. Tổ tiên mình đã say mê văn hoá Tàu đến nỗi cam tâm để cho tinh thần của chủng tộc bị tê liệt đi và bị sáp nhập vào trong cái văn hoá vĩ đại ấy. Kết cục: dân tộc mình thành ra một lũ người không có bản sắc, nhân cách và địa vị trong lịch sử thế giới, bị coi bất quá như một lũ học trò của Trung Hoa.
Bỗng, một cơn giông đã làm đổ gẫy cây văn hoá Tàu rất cổ kính. Giây tầm gửi Việt Nam cũng bị cuốn theo xuống vòng suy liệt, rồi sau, tình cờ, bám vào một cây to khác. Chúng ta hiện giờ đương tiếp xúc thân mật với một nền văn hoá vô cùng phong phú và tế nhị: văn hoá Pháp. Sự thay đổi vừa có lợi vừa có hại: nó cho ta nhận rõ cái lầm đau đớn về trước; nó mở cho ta nhiều viễn ảnh rực rõ mai sau; nhưng, đồng thời, nó lại đe doạ sẽ đem tới cho ta một sự thôn tính rất tai hại về tinh thần.
Vậy, đã trót sống cái đời tầm gửi, ta không nên lại cứ cam tâm sống mãi cái đời tầm gửi.
Nhận ra điều này, tức là nhận ra sự cần kíp phải tự gây cho mình một nền văn hoá, một nền văn hoá Việt Nam. Và, đó tức là một vấn đề sinh tử cho cả một dân tộc gồm hai mươi năm triệu linh hồn.
Nhưng, sự kiến thiết văn hoá, trước hết phải cần đến một nền quốc văn hoàn mỹ, có thể là một thứ văn giáo hoá. Ông cha mình khi xưa đã chỉ chuyên luyện văn Tàu, đã chỉ lấy sự giỏi viết văn Tàu làm cái dấu hiệu của trí thức. Ngày nay, phần nhiều người có học lại chỉ say mê văn Pháp. Quốc văn, trước sau, thành ra vẫn bị rẻ rúng, khinh thường. Kết quả: văn Việt Nam tiến rất chậm, mặc dàu nó vẫn được một số ít, rất ít, lấy sự tiến bộ của nó làm lẽ sống của mình. Sự quái gở này cần phải phá bỏ. Ta cần phải gây ngay một phong trào quốc văn mạnh mẽ và rộng lớn hơn từ trước đến nay.
Để gây phong trào đó, chúng tôi đã nghĩ đến một tờ tạp chí lý tưởng.
Tờ tạp chí này sẽ không phải là cơ quan riêng của văn phái nào; nó sẽ là nơi gặp gỡ của hết thảy mọi trào lưu tư tưởng, và mọi khuynh hướng nghệ thuật, miễn là các trào lưu và các khuynh hướng ấy cùng chung một mục đích: gây dựng một nền văn hoá Việt Nam.
Nó sẽ là cái vườn ươm hạt giống anh tài của chủng tộc, là nơi để bất cứ một cá tính nào cũng có thể phát triển đầy đủ về phương diện tư tưởng cũng như nghệ thuật; nó sẽ là nơi tập trung tất cả mọi sự gắng công để đi tới sự hợp nhất và tiến bộ đền hoàn toàn của ngôn ngữ Việt Nam và, sau hết, để đi tới sự nhận chân cái bản thể nhân loại qua tâm hồn Việt Nam.
Tờ tạp chí lý tưởng ấy, hôm nay chúng tôi cho nó ra đời, tức là tạp chí Tao Đàn này vậy. Tao Đàn gồm ba phần: Nghị luận và khảo cứu; Nghệ thuật; Tạp ký.
Trong phần Nghị luận và khảo cứu, chúng tôi hoan nghênh các bài của tất cả các học giả ba kỳ, các bài viết ra, hoặc để củ xoát lại các tư tưởng cũ của Á Đông, hoặc để giới thiệu và phê bình các học thuyết của Âu Tây, hoặc để bàn về mọi vấn đề quan trọng đến sự tạo lập nền văn hoá Việt Nam.
Trong phần Nghệ thuật, chúng tôi sẽ nhận đăng những tác phẩm về văn nghệ: thi ca, tiểu thuyết, phóng sự, kịch… của các văn sĩ bất cứ thuộc đảng phái nào.
Trong phần Tạp ký, chúng tôi sẽ ghi chép việc xảy ra trong văn học giới, hoặc lấy ý riêng mà gợi nên các vấn đề quan thiết đến văn hoá, ngôn ngữ Việt Nam để chờ sự giải quyết của các học giả, văn gia trong toàn quốc.
Thực ra, Tao Đàn không phải là một sáng kiến. Trước nó, Đông Dương tạo chí, Nam Phong, Hữu Thanh, Đông Thanh, v.v… đều đã làm cái việc khảo cứu và phát huy những tư tưởng của của Á Đông, giới thiệu và phê bình các học thuyết của Âu Tây, tìm cách dung hoà các tư tưởng học thuyết ấy để làm lợi cho tinh thần Việt Nam. Và trong khi làm những công việc ấy, các tạp chí kia đã cổ động, bồi đắp, phổ thông cho quốc văn, nâng quốc văn lên cái địa vị ngày nay.
Tao Đàn ngày nay, chỉ làm tiếp tục những công việc ấy, cho đến hoàn bị.
Nhưng, dầu thế, Tao Đàn vẫn có điểm này nó là cái đặc sắc của Tao Đàn. Nó phân biệt rõ rệt Tao Đàn với các tạo chí trước nó. Là về phương diện tư tưởng cũng như về phương diện nghệ thuật, Tao Đàn sẽ đặc biệt chú trọng vào những công trình sáng tác.
Hiểu biết, dung hoà, thu nhập chưa đủ. Ngày nay chúng ta đã đến cái thời kỳ cần phải sáng tác. Vì có sáng tác mới tỏ ra có hoạt động, có sống. Bất cứ ở đâu và thời đại nào, chỉ những công trình sáng tác mới là những sự phát biểu linh hoạt của tinh thần một dân tộc.
Tinh thần của dân tộc Việt Nam từ trước đến nay, đã bị tê liệt dưới sức đè nén của văn hoá Tàu. Để tránh những áp lực khác có thể tai hại hơn nữa, những tinh thần Việt Nam cần phải được phát huy, được nảy nở ra trong những công trình sáng tác mãnh liệt và rỡ ràng.
Đã trình bày rõ rệt mục đích và ý nguyện của mình. Tao Đàn chỉ còn chờ đợi cái cảm tình nồng nàn và sự cộng tác sốt sắng của hết thảy những người Việt Nam nào mà tương lai tinh thần của chủng tộc đã thành một mối băn khoăn tha thiết trên mọi băn khoăn khác.
TAO ĐÀN.

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

NHÀ VĂN TÔ HOÀI LÀM THƠ



Dưới đây là bài thơ "Tiếng reo" của nhà văn Tô Hoài mà Hoan tìm được trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 189 ra ngày 3 Janv 1938.
Nàng ngừng tay dệt vải,
Mơ màng lắng tai nghe.
Hình như bên cửa sổ,
Văng vẳng tiếng ai reo.

Từ mùa thu năm ngoái,
Chàng ra đi không lại.
Ồn ào tiếng gì đây ?
Ồ lạ! hay là phải...?

Hay là phải chàng về?
Chàng về tiếng quân reo...
Chàng về tiếng ngựa hí...
Chàng về, ngựa quân theo...

Vội vàng ra mở cửa:
Ngoài hiên vẫn vắng teo.
Gió lùa từng cơn mạnh.
Thì ra tiếng lá reo.



© 2012 Blog NXB Tân Dân

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

TỦ SÁCH NHỮNG TÁC PHẨM HAY

CUỒN LẦM THAN CỦA LAN KHAI


Tủ sách Những tác phẩm hay của nhóm Tân Dân ra mắt lần đầu năm 1938 với cuốn đầu tiên xuất bản là tác phẩm Lầm than của nhà văn Lan Khai. Tủ sách này hai tháng ra một quyển tiểu thuyết thật hay. Giá bán không nhất định.
(Từ cuốn VANG BÓNG MỘT THỜI, loại Những Tác-Phẩm Hay không bán một giá nhất-định như từ trước tới nay, mà sẽ định giá tùy theo số trang nhiều ít. Đại-khái : 160 trang 0$40, 180 trang 0$45, 200 trang 0$50, 225 trang 0$55, 250 trang 0$60.)
Một số tác phẩm rất nổi tiếng mà Tủ sách Những tác phẩm hay đã xuất bản đó là: Lầm than (1938) và Truyện đường rừng (1940) của Lan Khai, Cô gái làng Sơn HạPhấn hương của Ngọc Giao, Tà áo lụa của Thanh Châu, Loạn kiêu binhChúa Trịnh Khải của Nguyễn Triệu Luật, Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh do Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu dịch, tập phiếm luận Trước đèn của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, Truyện hai người của Vũ Bằng, Bảy HựuCuộc sống của Nguyên Hồng, Danh nhân Việt Nam qua các triều đại của Phan Trần Chúc...
Các nhà văn viết cho tủ sách Những tác phẩm hay gồm: Nguyễn Tuân, Lê Văn Trương, Phùng Tất Đắc, Vũ  Bằng, Nguyễn Triệu Luật...
                                                            © 2012 Blog NXB Tân Dân                                                                                       

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

TRUYỀN BÁ

TRUYỀN BÁ


Theo Từ  điển thư tịch báo chí Việt Nam của tác giả Nguyễn Thành (NXB Văn hóa thông tin 2001) thì báo Truyền bá là tập báo của tuổi trẻ, xuất bản mỗi tháng 2 kì vào ngày 10 và 25.
Chủ nhiệm: Vũ Đình Long
Tòa soạn: 93 phố Hàng Bông
In tại nhà in Tân Dân, khổ 185x115mm
Báo Truyền Bá ban đầu ra ngày 10 và 25, sau ra ngày thứ năm. Mỗi số 26 trang, đăng hết một truyện dài, một truyện ngắn và nhiều bài có ích cho trẻ em.
Hiện ở Thư viện quốc gia Việt Nam chỉ còn lưu giữ được một số Truyền Bá duy nhất. Chúng tôi nghiên cứu ấn phẩm này dựa trên những tài liệu và hình ảnh do nhà sưu tầm sách Nguyễn Tiến Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh cung cấp.
Đây là tớ báo dành cho nhi đồng với khuynh hướng giáo dục đạo đức và lối sống rất rõ. Chúng tôi xin trích lời mở đầu trên Truyền Bá số 1 như dưới đây (những chỗ in đậm là do chúng tôi nhấn mạnh – V.Đ.H):
“Truyền bá” là báo của tuổi trẻ, tuổi sung sướng.
Những truyện và những bài báo của Truyền bá đều quy vào một mục đích này: Giáo dục.
Giáo dục, nhưng giáo dục một cách vui vẻ, chứ không khắc khổ, khô khan. Các bạn trẻ sẽ chơi mà học.
Những nhà báo và những nhà văn hằng lưu tâm đến vấn đề giáo dục nhi đồng sẽ cộng sự với chúng tôi. Chúng tôi muốn làm một công việc có ích cho cái thế hệ đang chớm nở.
Ở nước nào cũng vậy người ta đều để hết cả hy vọng vào những “người tương lai” đó. Óc họ hãy còn trong trắng, những điều họ thấy và họ đọc bây giờ sẽ ảnh hưởng mãi mãi đến tâm hồn họ. Có người đã già rồi vẫn chưa quên những cảnh, những tranh, những truyện đã in vào tâm hồn mình từ lúc thiếu thời.
Bởi vậy chúng tôi rất thận trọng trong công việc làm báo này. Trẻ em sẽ tin cậy được Truyền bá như tin cậy một người anh cả. Mà những người đã quá tuổi trẻ rồi sẽ thấy ở đây hình bóng cả một thời kỳ mình đã trải qua. Họ sẽ thấy trẻ lại. Sống lại những giây phút cái thời kì thơ ấu, người ta sẽ nhận thấy cái tâm hồn trẻ em rõ rệt hơn; do đó sẽ “hiểu” trẻ em hơn và gây cho trẻ em một giáo dục hoàn toàn hơn.
Những gia đình lễ giáo, tha thiết với trẻ em, sẽ là bạn của Truyền bá vậy.
Truyền bá ngoài phần tiểu thuyết ra, còn có nhiều mục vui, nhiều bài bổ ích trực tiếp đến sự học và sự biết. Mỗi kỳ sẽ có một truyện cổ tích, hoặc về du lịch, hoặc về thám hiểm, hoặc về danh nhân. Các bạn lại còn có thể tìm thấy ở đây nhiều trò chơi giải trí và nhiều câu đố nữa.
Phần tiểu thuyết nhiều trang hơn, để các trẻ em thấy vui nhiều mà ham đọc. Nhưng các mục khác in chữ nhỏ, cỡ rộng, một trang bằng hai ba trang kia cũng chiếm một phần khá quan trọng trong báo này.
Những giờ nhàn rỗi, bực làm cha mẹ nghe con đọc truyện Truyền bá và giở những trò chơi, câu đố ra thử con cái trong nhà vui vẻ, còn có gì ích lợi và sung sướng cho bằng.
TRUYỀN BÁ
Với tư cách là một giáo học, trên Truyền Bá số 1 Vũ Đình Long đã nêu ra mục đích và tôn chỉ của tờ báo này như sau:
BỨC THƯ NGỎ
Cùng các ông giáo, bà giáo, các ông đốc, bà đốc các trường công, tư ở khắp cõi Đông Dương,
Trước khi phát hành báo Truyền bá, một tập báo của tuổi trẻ, tôi thành tâm gửi một số đầu kính tặng tất cả những bạn đồng nghiệp cũ của tôi ở khắp cõi Đông Dương -  tôi muốn nói tất cả các ông giáo, bà báo và tất cả các ông đốc, bà đốc trường công và trường tư (1).
Báo Truyền bá đăng những tiểu thuyết giáo dục, những truyện danh nhân, những truyện du lịch, thám hiểm, phát mình, những thường thức bạn trẻ cần biết bằng những câu hỏi và trả lời (Ở đâu? Tại sao? Ai? Thế nào?), những trò chơi giải trí, v.v...
Một tập báo như thế thiết tưởng rất có ích cho trẻ em các học đường và đáng là người bạn tốt của các nam nữ học sinh ngoài giờ học tập.
Những sách  báo như thế thiết tưởng rất có ích cho trẻ em các học đường và đáng là người bạn tốt của các  nam nữ học sinh ngoài giờ học tập.
Những sách và báo bằng quốc văn viết riêng cho tuổi trẻ còn hiếm lắm, các trò em ham đọc, gặp gì đọc nấy, thậm chí đọc cả những báo và tiểu thuyết viết cho người lớn, rất là có hại.
Là một giáo viên hưu trí, tôi xuất bản tập báo nhi đồng này có ý muốn tiếp tục việc giáo dục đàn trẻ am mà tôi rất yêu mến và tôi đã được hiểu biết trong hai mươi năm dạy học.
Tôi gởi tập báo này đến kính tặng các bạn để cùng các bạn nhắc nhở cái tình đồng nghiệp mà tôi không bao giờ có thể nhãng quên và để xin các bạn chỉ giáo cho điều hơn lẽ thiệt, cho tập báo của tuổi trẻ này có ngày được hoàn toàn.
Các bạn nên coi báo Truyền bá này là cái công cuộc chung của chúng ta, công cuộc bổ túc cho học đường ở ngoài học đường, như vậy các bạn sẽ thấy vui vẻ hợp tác với chúng tôi về mọi phương diện.
VŨ ĐÌNH LONG
Giáo học hưu trí
Chủ nhiệm nhà in Tân Dân, báo Truyền Bá, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Phổ Thông Bán Nguyệt San.”
Để cổ động hơn nữa cho sự liên hệ mật thiết giữa nhà trường, gia đình và Truyền Bá, nhà Tân Dân có những cách làm rất hiện đại là treo những giải thưởng cho học sinh và tham gia vào các hoạt động khuyến học tại các trường công, tư thục:
“Những giải thưởng của Truyền Bá
Muốn có liên lạc mật thiết với các học đường, chúng tôi sẽ thường thường đặt ra những giải thưởng cho tất cả các trường công, trường tư trong nước.
Giải thưởng thứ nhất tặng người học trò ngoan nhất trường. Thể lệ sẽ đăng ở số sau.
Truyền Bá dự vào các cuộc phát thưởng
Những trường công và trường tư sẵn sàng hợp tác với Truyền Bá, Truyền Bá sẽ tặng nhiều phần thưởng vào dịp những trường ấy tổ chắc phát thưởng cuối năm học.”
 Đội ngũ các cây bút chủ lực viết cho Truyền Bá gồm: Thâm Tâm, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Vũ Bằng, Lê Văn Trương, Ngọc Giao, Thanh Châu...

© 2012 Blog NXB Tân Dân

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

NHÀ VĂN, NHÀ PHONG TỤC HỌC TOAN ÁNH

TOAN ÁNH 


Cụ Toan Ánh đã già lắm rồi, cụ hiện cư ngụ tại nhà con gái ở đường Nguyễn Kiệm Phú Nhuận, xưa kia là đường Võ Di Nguy, lối lên sân gôn, Tổng y viện Cộng Hoà cũ.
Để giữ gìn sức khoẻ, mỗi sáng cụ đi bộ một vòng quanh công viên cho giãn gân giãn cốt. Cụ đi từ 6, 7 giờ đến 9 giờ mới về nhà, nghỉ ngơi hoặc làm việc. Trước kia cụ đi một mình, nhưng nay con cháu cụ phải đi kèm coi chừng, cụ hiện bị bệnh tiểu đường, do giữ gìn và kiêng khem kỹ nên cụ vẫn sống vui, sống khoẻ.Ngoài việc thèm hút thuốc lá, nhưng cũng phải giới hạn. Cụ không đam mê một thú vui nào khác ngoài sách vở và công việc sửa chữa lại tác phẩm của mình, biết bao nhiêu bản thảo xếp chồng chất cạnh giường cụ làm cho người ta phải khâm phục. Cụ Toan Ánh làm một công việc kiên trì của một nhà văn, một nhà khảo cứu về phong tục Việt Nam, suốt bẩy chục năm cầm bút.
Nhìn vào danh mục mới thấy về sự làm việc kinh hồn của cụ, một sự nghiệp lớn lao về văn hóa mà ít nhà văn nào có thể làm được, có lẻ vì đam mê, sự kiên trì và tuổi đời cao chăng, bây giờ cụ ở tuổi trên 90 nhưng vẫn còn minh mẫn, dù tai nghe không rõ lắm, một chút nhớ nhớ quên quên: 124 tác phẩm.
Nói tác phẩm là một quyển sách chưa đúng hẳn, vì một tác phẩm của cụ có thể là một bộ sách gồm nhiều quyển sách gộp lại mang cùng tên, như tác phẩm Nếp Cũ, gồm cả chục cuốn sách, mỗi cuốn dầy từ 300 trang trở lên. Và còn nhiều bộ như thế, trong một đời cầm bút của cụ.
Được cụ tiếp chuyện cả là một vinh hạnh, với tôi thì cụ là bậc trưởng thượng, bậc đàn anh tôi dành tất cả sự trân trọng và quý mến.
Tôi hỏi cụ về những vị cùng thời với cụ, cụ thở dài:
-Chết hết cả rồi!
Cụ còn nói:
-Người trẻ nhất cũng đã chết rồi.
Ngồi nói chuyện với cụ Toan Ánh, tôi phải thú thật với cụ rằng tác phẩm của cụ nhiều quá, tôi chưa đọc hết, nhưng cũng có đọc những cuốn cụ viết về phong tục, tôi ngưỡng mộ lắm, vì tôi thấy lại quê hương tôi ở miền Bắc, những hội hè đình đám, mà khi tôi có chút hiểu biết thì còn là một trẻ nhỏ, những vùng đất tôi từng đi qua thời tản cư, chiến tranh đánh đuổi giặc Pháp của toàn dân. Này là Đại Từ, Thái Nguyên, Phú Thọ, Núi Tam Đảo, Chapa nơi có chợ tình họp thường xuyên theo phong tục của các sắc dân miền cao, tôi đã đọc và hiểu thêm về những nơi đó. Tôi từng nghe hát Quan Họ biết Bắc Ninh là quê hương của quan họ, nhưng làm sao biết được rõ ràng, nếu không đọc và tham khảo sách của cụ, rồi những hội hè đình đám chốn quê hương Bắc Bộ.
Cụ Toan Ánh cho biết:
Không thuần ở miền quê Bắc Bộ mà khắp Việt Nam, cả đời tôi làm công chức nên đi nhiều nơi, tìm hiểu cặn kẽ từng vùng từng nơi, và nhờ nhiều vị có uy tín ở địa phương giúp cho những tài liệu chính xác, đáng tin cậy, để tham khảo thêm về phong tục ở từng vùng.
Tôi thú thật rằng sau năm 1954 tôi mới đọc những tác phẩm của cụ, vì khi đó tôi mới lớn và tập tành đam mê chuyện văn chương. Còn cụ cầm bút từ khi tôi chưa ra đời, tức là năm 1934, cụ còn là học sinh ban thành chung đã có bài đăng trên các báo. Theo như tài liệu của gia đình cụ Toan Ánh, tôi thu thập một ít tiểu sử của cụ:
Nhà văn Toan Ánh tên thật là Nguyễn Văn Toán, sinh năm 1915 tại Thị Cầu, Bắc Ninh, quê hương quan họ, thuộc gia đình trung lưu Hán học, học Hán văn với mẹ và thầy đồ Chu Phượng Nghi trước khi qua học chương trình Pháp Việt phổ thông thời đó. Ngày bé thường đường bố công kênh đi xem các lễ hội quê nên chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền đạo đức, lễ giáo Đông phương, yêu sâu xa các lễ hội, các thuần phong mỹ tục và văn hóa nghệ thuật nước nhà, đồng thời tiếp thu được tinh thần phân tích khoa học và nét trữ tình của nền văn học Tây phương.
Vào làng văn làng bút, Toan Ánh đã làm thơ, viết kịch, viết tiểu thuyết và nhất là trở thành nhà Phong-tục-học, viết biên khảo về nếp sống cũ, về thuần phong mỹ tục của Việt Nam (như bộ Nếp cũ 11 quyển, Bó hoa Bắc Việt, Tinh thần trọng nghĩa Đông phương, Tiết tháo một thời, Phong lưu đồng ruộng, Văn hóa Việt Nam những nét đại cương, Hương nước hồn quê. Về các sắc dân Việt có Người Việt Đất Việt, Miền Bắc khai nguyên, cao nguyên miền Thượng.
Toan Ánh bắt đầu viết văn làm thơ từ năm 1934 như đã nói ở trên, khi còn là học sinh ban Thành chung đã có bài đăng trên các báo.
Trước năm 1954: Trung Bắc Chủ Nhật, Tiểu thuyết thuần san, Đàn Bà, Tiểu Thuyết Thứ Bẩy, Bắc Ninh tuần báo, Tạp chí Tao Đàn, Tạp chí Bạn Đường (Thanh Hóa), Tạp chí Tin Lào (Vạn Tượng), Phổ thông bán nguyệt san, Jeunesse Studieuse v.v...
Sau năm 1954: Chỉ Đạo, Bách Khoa, Hải Triều Âm, Lành Mạnh, Chọn Lọc, Tiểu Thuyết Thứ Bẩy, Cách Mạng Quốc Gia, v.v...
Sau năm 1975: Tập san Nghiên cứu dân tộc học, Xuân dân tộc miền núi, Xưa và Nay, Danh nhân trẻ v.v...
Trước năm 1975 Toan Ánh là hội viên Hội Văn Bút Quốc Tế, phó chủ tịch. Hội viên Hội Thư Viện VN, hội viên hội Văn hóa Giáo dục, hội viên (liên lạc viên) Trung Tâm Văn Hóa Thái Bình Dương, giáo sư thỉnh giảng tại nhiều trường đại học và cao đẳng như đại học Vạn Hạnh, đại học Văn Khoa Huế, đại học Cần Thơ, đại học Đà Lạt, Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn, CĐQP Vĩnh Long về phong tục học, Văn Hóa Việt Nam, thẩm mỹ học, xã hội học v.v...
Do tính đa dạng của các công việc (thuế vụ, hành chánh, tòa án, thư viện, tài chánh, thể dục thể thao, xã hội, dậy học), nhà văn Toan Ánh đi làm qua các thời kỳ ở rất nhiều nơi, nên đã có được một sự nghiệp văn hóa vĩ đại. Nhưng cụ vẫn nhũn nhặn khiêm nhường, nói “không ngờ vì sự đam mê mà có được”. Nhưng ai dám phủ nhận tài năng và sức làm việc của cụ trong việc làm vĩ đại ấy.
Trong câu chuyện vui, cụ nói có người còn dám đội tên cụ, nghĩa là xưng mình là nhà văn Toan Ánh, lại khoe với chính con trai của cụ mới là điều trớ trêu. Cụ không nói phản ứng của con trai cụ và cụ thế nào, ra sao với kẻ láo lếu ấy, đó cũng là tính khiêm nhường của cụ.
Sau 30.4.75, cụ sáng tác ít, làm công việc sửa chữa lại bản thảo, phục hồi những bản thảo bị mất bị hư trang, nhiều tác phẩm của cụ chưa in, nên bây giờ cụ cho in lại hoặc tái bản. Cụ hơi bực mình vì việc biên tập ở đây, nhiều khi làm lạc cả ý của cụ, có nhà xuất bản còn thay đổi cả tên tác phẩm của cụ, như quyển Bó hoa xứ Bắc bị đổi là Gái đẹp xứ Bắc! Theo cụ thì đó là điều tục tĩu trong sự đặt lại tên tác phẩm của cụ, và còn lại nhiều sự biên tập khác làm cụ bực mình, không thể chấp nhận được. Chị con gái lớn của cụ là người đại diện của cụ, cũng đồng ý điều đó, vì thế bây giờ ai in lại tác phẩm của cụ không được sửa đổi bất cứ một câu một chữ nào, dù là một dấu chấm, dấu phẩy, có hợp đồng đàng hoàng.
Sách của cụ tràn lan khắp mọi nơi, kể cả trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Tôi hỏi cụ:
-Thưa cụ, sách của cụ có in ở nước ngoài vậy nhà xuất bản nào ấn hành?
-Nhà xuất bản Xuân Thu.
-Cụ có liên lạc với nhà xuất bản ấy không?
Cụ Toan Ánh hừ một tiếng:
-Có, tôi có thấy họ in sách tôi, tôi nghĩ đường xa cách trở nên viết thư liên lạc với họ, tôi có nhận được thư trả lời của họ, một bức thư trả lời lời lẽ không được nhã nhặn cho lắm.
Cụ có thể cho biết rõ hơn?
Họ nói họ in sách tôi là muốn “nâng đỡ” tôi, muốn độc giả không quên tôi, một việc làm phúc đức cho tôi, đáng lẽ ra tôi phải mang ơn họ mới đúng.
Quả thật đó là một chuyện không nên không phải đối với nhà văn có hơn bảy mươi năm hành nghề viết văn làm báo. Tôi hiểu những hạng “đầu nậu” ngành xuất bản như thế có ở nhiều nơi, ở Việt Nam này cũng không thiếu gì loại đầu nậu ấy. Những nhà văn còn lại trong nước bị in sách lậu trả lời bằng sự im lặng. Chẳng phải sợ gì họ mà không muốn nói đến thì đúng hơn.
Tác phẩm của cụ để lại cho đời là tác phẩm hữu ích, để thế hệ mai sau không quên tổ tiên, nguồn gốc. Cụ chỉ muốn đưa lên cái đẹp của Con người, của Quê hương Đất nước Việt Nam, để cho người đọc và hiểu làng quê Việt Nam hình thành như thế nào.
Với một gia tài văn chương văn hóa đồ sộ của cụ Toan Ánh, nhiều nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu cũng đã viết đến, phân tích, luận bàn không thiếu gì những cái hay cái đẹp trong văn chương và tài liệu cụ thu thập được trên khắp mọi miền đất nước, đó là những lời khen, những thái độ kính phục và cảm phục dành cho một nhà văn lão thành, dầy công trong sự nghiệp của mình, nhưng cụ thì vẫn khiêm nhượng, cái khiêm nhượng sẵn có trong lòng một kẻ sĩ có cả tài lẫn đức.
Riêng tôi, kẻ viết bài này, sinh sau đẻ muộn cũng chung một cảm phục như thế, nên không nói thêm điều gì, mà người ta đã ca tụng, đọc sách của nhà văn Toan Ánh, người ta còn nhìn thấy sự lột tả hết cái chân, cái thật khi nói về làng quê với một chút bỡn cợt nhưng đầy duyên dáng, trữ tình, điển hình là chính ngôi làng nơi mà cụ đã được sinh ra và lớn lên. Tôi xin trích ra một đoạn:
“Làng tôi không thay đổi gì, từ hình thể đến dân làng. Có khác chăng là những thằng bạn thả diều, đánh bi của tôi từ thuở nhỏ đã lớn, những cái đĩ thằng cu, xưa kia đầu chốc, cởi truồng, đã thay hình đổi dạng thành những cô gái làng xinh đẹp đỏm dáng, thành những cậu trai làng khỏe mạnh cần cù thương yêu miếng đất mảnh vườn, xoắn xuýt với thửa ruộng mẫu ao. Còn những cô gái làng xưa, nay đã có chồng, có cô lại còn dắt díu con bồng con mang.”
Và chẳng có gì lọt qua được cặp mắt sắc bén hóm hỉnh của cụ: “Ngắm lại những cô gái xưa tôi thầm yêu trộm nhớ đã là những thím nọ, mợ kia với chiếc áo hở lường, với đôi vú thõng dưa gang.” Còn nói đến trai làng với một chút hài hước: “Và những thằng bạn thuở nhỏ của tôi, thường cùng tôi vật nhau lúc chăn trâu, thường cùng tôi ê a quyển Hán tự Tân thư, cũng là những anh chồng ngoan ngoãn chăm lo vườn tược ruộng nương, có anh cũng có hai ba con! Anh nào anh nấy bộ mặt nghiêm trang đứng đắn, đi ra khỏi ngõ là áo dài khăn lượt trông thật đạo mạo.”
Và những người lớn thì đã bắt đầu già: “Có người tóc điểm hoa râm, có người mắt đã bắt đầu đeo kính. Còn các cụ già, nhiều cụ đã không còn nữa! Các cụ đã ăn xôi nói theo danh từ hài hước quê mùa! Hỏi thăm các cụ, các người thản nhiên trả lời: Các cụ đi với ông ‘sáu tấm’.”
Còn những cô gái làng mới lớn, tôi thấy trong một đoán ngắn:
“Nếu ai đi qua cổng làng tôi gặp lúc chiếc cổng tre giương lên, một cô gái chít khăn mỏ qua, mặc áo cánh nâu non, yếm mầu mỡ gà với khuôn mặt trái xoan, với hai con mắt long lanh sáng, điểm thêm nụ cười chúm chím như hoa hàm tiếu, tuy vậy cũng để lộ mấy chiếc răng cửa đen nhức như hạt huyền và đều đặn như hạt lựu giữa đôi môi tươi thắm, ắt phải có cảm tượng như được ngắm một bức tranh linh động giữa thiên nhiên. Cô gái làng đang đứng bên cột tre, một tay giơ cao vịn vào cành tre. Cô đứng làm gì?
“Ai có biết nhưng nhìn cô thấy đáng yêu với vẻ ngây thơ. Có khi cô lại cất tiếng hát vài câu ca dao, tiếng vang êm ái nghe thật là quyến rũ:

Chẳng tham ruộng cả ao sâu
Tham gì anh tú tốt râu mà hiền,
Chẳng tham ruộng cả ao liền,
Tham vì cái bút cái nghiêng anh đồ.

Hỡi ai là anh tú, hỏi ai là anh đồ, nghe cô ca có động lòng chăng tá!
Cô gái quê thật thà là bông hoa của đồng ruộng! Cô đã làm cho cho bao chàng trai say mê, và chính cô cũng đã bao lần tơ lòng rung động trước nỗi niềm tha thiết của những trai làng!”
Nét văn hóa của làng quê Việt Nam nổi bật những những điểm đó, ở bút pháp vừa và vặn vừa sắc bén của nhà văn nhà khảo cứu Toan Ánh khiến người đọc bị quyến rũ, nao lên, say sưa đọc mãi cho đến trang cuối của cuốn sách dày hơn 300 trang mà vẫn còn muốn đọc nữa.
Khi đọc sách của nhà văn Toan Ánh, tôi thấy mình yêu quê hương đất nước hơn, không phải riêng tôi mà rất nhiều người đồng điệu đều có chung một cảm xúc ấy.
Hỏi về đời sống của cụ, đời sống của cụ sau 30.4.75, cu vẫn để cho nhà nước xuất bản sách của cụ. Cụ cho rằng sách của cụ cần được phổ biến, không phân biệt mốc thời gian, không chứng kiến đỏ đen hoặc phục vụ cho tầng lớp nào đó, mà cho cả thế hệ mai sau. Để cho con cháu chúng ta biết được phong tục tập quán của dân tộc.
Ngày “cải tạo văn hóa” năm 1975, cụ Toan Ánh là một trong rất ít người làm văn hóa không phải đi học tập, nhưng phòng PC16 cũng không quên cụ, mời cụ lên nói chuyện chứ không phải là lệnh bắt giam. Đối với cụ Toan Ánh là họ đã “chiêu hiền đãi sĩ” lắm rồi. Những tác phẩm của cụ bị đốt đâu không biết, chứ cụ không bị họ vào nhà lục lọi khiêng ra trước cửa đốt. Họ chỉ đạt giấy mời cụ lên, người chấp pháp lấy cung cụ, hình như cũng là nhà văn hóa không biết bao lớn, nói chuyện với cụ bằng tư thế của kẻ chiến thắng, gọi cụ bằng “anh”. Cụ Toan Ánh cho anh ta biết sự phân biệt về tuổi tác, không thể gọi cụ bằng anh được, cụ không chấp nhận. Cốt cách cụ là nhà nho làm văn hóa, ngay cả miền Bắc XHCN cũng còn dùng sách của cụ để dạy học, vậy thì nói chuyện với cụ phải có cái lễ nghĩa của một con người. Người cán bộ chiến thắng ấy bèn đổi giọng nói chuyện với cụ lễ phép hơn suốt câu chuyện.
Trong suốt 30 năm XHCN cầm quyền ở Việt Nam, cụ Toan Ánh sáng tác ít, mà sửa chữa và cho in lại những tác phẩm của cụ thì nhiều, một chuyện làm ăn sòng phẳng giữa nhà văn và nhà xuất bản của nhà nước, khai thác một số tác phẩm nào đó của cụ có hạn định. Đời sống của cụ và đám con cháu bình bình chứ không gian truân, lao đao như nhiều người làm văn hóa khác, con cái có công việc làm. Mừng cho cụ cho gia đình cụ.
Rằm tháng Bẩy, người Xá Tội Vong Nhân, chùa Vĩnh Nghiêm tổ chức một buổi lễ cầu siêu cho hai triệu người dân chết đói ở Bắc Việt, hồi 60 năm trước, đáng lẽ chuyện này phải làm lâu rồi, nhiều người cũng không đồng ý việc chọn ngày Rằm tháng Bẩy là theo phong tục dân gian là ngày cúng cho các cô hồn, các đảng. Hai triệu người Việt bị chết oan ức vì quốc nạn do sự xâm lăng và chính sách tàn bạo của quân phiệt Nhật, họ không nằm trong danh sách Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, cái chết của họ phải được tưởng nhớ một cách trân trọng như Nước Nhật hàng năm họ vẫn tổ chức đại lễ tưởng niệm những người dân vô tội đã bị thiệt mạng vì hai quả bom nguyên tử.
Tôi kể cho cụ nghe về chuyện chết đói mà tôi đã chứng kiến lúc còn bé ở Ô Cầu Giấy, có kẻ vì đói làm liều ăn quỵt tiền cơm, họ bị chủ hàng xua người làm công đánh đấm một cách dã man đến độ ói cả chỗ cơm vừa ăn quỵt nhưng chưa ghê sợ bằng khi nhìn thấy cảnh số cơm vừa ói ấy được một số người khác cũng đánh đấm, xô đẩy nhau giành giật để ăn, thật là một cảnh hỗn loạn chưa từng thấy. Tôi hỏi cụ, với tư cách của một người đã sống qua, chứng kiến những chuyện ấy cụ còn nhớ gì không, cụ trở nên trầm ngâm, nhắc lại khung cảnh thê thảm ngày ấy:
Xác người chết đói chở xe bò ra những cửa ô đem đổ đi, đổ đi chứ không phải chôn cất, người ta đói quá vồ luôn những bãi mửa của chó mửa ra để ăn, tôi nói là chó chứ không phải người như anh thấy ở Ô Cầu Giấy. Chưa một năm nào dân tộc ta lại thê thảm như vậy.
Trong trí nhớ của tôi, nhớ ra một chuyện hồi 45 năm trước. Tôi còn nhớ người ta kháo nhau chuyện một người đàn bà buôn cám trộn mạt cưa, bán cám cho ngựa của một doanh trại Nhật. Và sau đó họ mổ bụng con ngựa để tìm hiểu nguyên nhân vì ăn cám gạo trộn mạt cưa mà chết, quân Nhật đút luôn kẻ buôn gian bán lận ấy vào bụng con vật, khâu lại rồi mang đi chôn sống. Một hành động quá sức tàn nhẫn của người Nhật với dân bị trị, không phải để trừng phạt cho người ta sợ, mà việc làm mất nhân tính, nên quân đội Nhật hoàng mới mang tiếng tai khắp một vùng Đông Nam Á này. Tự họ đánh đổ thuyết Đại Đông Á mà họ đề ra.
Cụ Toan Ánh nói không phải là lời đồn đãi, đây là câu chuyện có thật. Việt Nam những năm đó phải chịu cái ách từ mọi phía đổ lên đầu dân tộc. Giọng cụ thật xúc động, nỗi buồn trùng xuống trên mái đầu bạc, tôi cũng buồn lây.
Buổi trưa rồi đấy. Tôi phải ra về để cụ nghỉ ngơi, nếu không về cụ sẽ nói chuyện hoài, nói không dứt được. Phải chăng người già ai cũng thế, làm chưa hết thì phải nói cho bằng hết, những gì mà mình cho là còn dở dang.
Hình như có một cơn mưa. Mây đen từ hướng đông chuyển vào thành phố.

Sài gòn, tháng 10.2005
Nguyễn Thụy Long

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

LAN KHAI VÀ TẠP CHÍ TAO ĐÀN 1939


NGUYỄN NGỌC THIỆN
(Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Lan Khai (1906-2006)

Đầu năm 1939, Vũ Đình Long, chủ Nhà xuất bản Tân Dân có sáng kiến xin giấy phép xuất bản ấn hành tạp chí TAO ĐÀN. Đây là tạp chí chuyên ngành về văn học đầu tiên trong làng báo ở ta trước Cách mạng tháng 8 năm 1945.


Trong số đầu tiên ra mắt ngày 1.3.1939, Bộ biên tập tạp chí đã trình bày lý tưởng và đặc sắc của tạp chí này là “về phương diện tư tưởng cũng như về phương diện nghệ thuật, Tao Đàn sẽ đặc biệt chú trọng vào những công trình sáng tác” vì chỉ ở đó mới phát huy được một cách mạnh mẽ tinh thần dân tộc Việt Nam. Một nền văn hoá Việt cần được tạo dựng bắt đầu từ việc “gây ngay một phong trào quốc văn mạnh mẽ và rộng lớn từ trước đến nay”.

Tạp chí chủ trương tránh biệt phái nhân danh cơ quan riêng của một văn phái, mà cố gắng trở thành một diễn đàn mở rộng, có khả năng tập hợp và hội tụ các lực lượng tuy chính kiến có thể khác nhau, nhưng có chung một lập trường giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, không để rơi vào tình trạng mất gốc, tầm gửi vào các nền văn hoá ngoại lai.
“Nó sẽ là nơi gặp gỡ của hết thảy mọi trào lưu tư tưởng và mọi khuynh hướng nghệ thuật, miễn là các trào lưu và khuynh hướng ấy cùng chung một mục đích: gây dựng một nền văn hoá Việt .
Nó sẽ là một cái vườn ươm hạt giống anh tài của chủng tộc, là nơi để bất cứ một cá tính nào cũng có thể phát triển đầy đủ về phương diện tư tưởng cũng như nghệ thuật; nó sẽ tập trung tất cả mọi sự gắng công để đi tới sự hợp nhất và tiến bộ đến hoàn toàn của ngôn ngữ Việt Nam và sau hết là đi tới sự nhận chân cái bản thể nhân loại qua tâm hồn Việt Nam” (Lời nói đầu).

Vũ Đình Long làm Chủ nhiệm tạp chí, đảm bảo tư cách pháp nhân của ấn phẩm, còn về nội dung bài vở do Lan Khai đặc trách. Ngay từ số đầu tiên, Lan Khai được giao trọng trách Tổng thư ký Bộ biên tập và Quản lý.
Cho đến ngày tự đình bản vào tháng 12/1939 sau khi ra số đặc biệt về Vũ Trọng Phụng, trong 10 tháng hoạt động. Tao Đàn ra đều kỳ được 13 số (từ tháng 3 đến tháng 7-2kỳ/1 tháng; từ tháng 8 đến tháng 10-1tháng/1kỳ) và 2 số đặc biệt (về Tản Đà - tháng 7; về Vũ Trọng Phụng - tháng 12/1939), với tổng cộng 1.374 trang in khổ 14,5 x 20,5 cm.
Trong số 3 nhà văn lần lượt đảm nhiệm cương vị trong Toà soạn mà ngày nay gọi là Tổng biên tập, thì Lan Khai là người đầu tiên đứng vị trí ấy; ông bỏ nhiều công sức vun đắp xây dựng tạp chí đi đúng theo lộ trình và mục đích đã xác định. Ông làm Tổng thư ký Bộ biên tập kiêm Quản lý từ số 1 đến số 10. Còn 3 số cuối do Nguyễn Triệu Luật đảm nhiệm, 2 số đặc biệt do Lưu Trọng Lư tập hợp bài vở.
Ở tuổi 33 năng động, bút lực mạnh mẽ, sung mãn, Lan Khai đã nỗ lực thu hút bài vở của cộng tác viên và góp bài của mình theo sự phân bố về phần, mục với số trang ấn định.
Trong 3 phần chính yếu của Tạp chí thì trọng tâm là các phần Nghị luận và  khảo cứu; Nghệ thuật.

Về phần Nghị luận, khảo cứu, tạp chí đăng tải các bài tiểu luận khai thác, giới thiệu tinh hoa văn hoá dân tộc qua văn học dân gian người Kinh và dân tộc thiểu số (các bài của Phan Khôi, Lâm Tuyền Khách - bút danh khác của Lan Khai); về văn học cổ điển viết bằng chữ Hán và chữ Nôm (do Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Trọng Thuật, Ngô Tất Tố, Phú Hương...); về văn chương hiện đại (Trương Tửu, Hoài Thanh, Trần Thanh Mại, Trúc Đường). Loạt bài của Từ Ngọc, Nguyễn Triệu Luật, Tảo Trang, Kinh Dinh bàn về ngôn ngữ dân tộc qua việc điển chế văn tự, cải cách chữ quốc ngữ, dịch văn học là những bài viết công phu. Mảng chân dung văn học của các nhà thơ cổ điển, tác giả văn học hiện đại có những bài viết sinh động về Nguyễn Công Trứ, Hội Tao Đàn đời Lê. Đặc biệt với 2 số Tao Đàn tập trung các bài viết về Tản Đà (số đặc biệt tháng 7/1939) và Vũ Trọng Phụng (số đặc biệt, tháng 12/1939), liền sau khi các nhà thơ, nhà văn lớn nói trên vừa qua đời, Tạp chí Tao Đàn có thể xem như đã mở đầu sáng kiến làm số chuyên đề về chân dung tác giả văn học để tưởng niệm, kịp thời ghi lại tình cảm sâu sắc, nóng hổi và sự đánh giá trân trọng của người đương thời, của đồng nghiệp đối với những văn nghệ sĩ đã có công đóng góp lớn cho sự phát triển của văn học dân tộc. Rất nhiều bài trong 2 số tạp chí đặc biệt nói trên đã trở thành những giá trị kiểu mẫu của thể loại chân dung văn học, hồi ức, phê bình văn học, giúp ích cho việc tìm hiểu con người và sự nghiệp của các nhà văn đàn anh, bậc thầy của văn chương Việt Nam hiện đại. Trong đó, Lan Khai góp 2 bài đặc sắc: Phác hoạ hình dung và tâm tính thi sĩ Tản Đà; Con người Vũ Trọng Phụng.
Tuy còn ít ỏi, nhưng các bài viết về nước ngoài (triết học Bergson, Khổng Tử, thơ Đỗ Phủ, cổ học Trung Hoa của Lê Chí Thiệp, Phan Khôi, Hoài Thanh, Nguyễn Trọng Thuật), hoặc dịch truyện, thơ nước ngoài (do Mặc Lan, Đông Hồ thực hiện) đã thể hiện một cách xem xét bình tĩnh, khách quan, tiếp thu hoặc đối thoại từ chỗ đứng và thực tế đời sống dân tộc, không nhắm mắt vọng ngoại hoặc nóng nảy dị ứng, lố bịch.

Đáng chú ý là từ số 2, tạp chí Tao Đàn đã chủ động tổ chức cuộc trao đổi ý kiến xoay quanh chủ đề “Gây dựng nền văn hoá dân tộc Việt Nam như thế nào”, lôi cuốn được các cây bút của 2 phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh” tham gia thảo luận sôi nổi. Có thể xem đây là hiệp thứ ba của cuộc tranh luận “Nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “Nghệ thuật vị nhân sinh”, do Hải Triều và Hoài Thanh là những người đứng đầu của mỗi phái. Sau khi đăng lại bài viết của Bùi Công Trừng thuộc phải “Nghệ thuật vị nhân sinh”. nhan đề Tán thành sự gây dựng nền văn hoá Việt Nam (đã đăng trên bài Đông Phươngtrước đó), tạp chí Tao Đàn liên tục cho đăng các bài trao đổi ý kiến nhiệt huyết tâm đắc của Hải Triều (1), Bùi Công Trường (1), Tô Vệ (1), Hoài Thanh (4), Lưu Trọng Lư (5), Lê Quang Lộc (1)... Một mình Lan Khai, trên lập trường “Nghệ thuật vị nghệ thuật” đã góp 7 bài vào cuộc tranh luận... Cũng cần nói thêm rằng, với sự sắp xếp bài vở khéo léo của Lan Khai, mà một số đoạn thích hợp với chủ đề thảo luận, rút từ sách Văn chương và hành động của Hoài Thanh - Lưu Trọng Lư - Lê Tràng Kiều (Phương Đông xuất bản tại Hà Nội năm 1936, chưa kịp phát hành thì đã bị chính quyền thực dân thu hồi) lại được in thành những bài lẻ, giật tít khác đi một chút, thể hiện lập trường tư tưởng nghệ thuật của một nhóm văn nghệ sĩ, kiên trì với quan điểm cũ.

Xung quanh cuộc tranh luận, trao đổi ý kiến này, chúng ta ngày nay có thể rút ra những bài học bổ ích về văn hoá tranh luận, bước tiến trong quá trình tiếp cận tư tưởng học thuật của mỗi bên. Nếu như một số khía cạnh trong bản chất quan điểm nghệ thuật của họ vẫn còn những khác biệt (về quan hệ giữa tính dân tộc với tính người, tính nhân loại; về giá trị trước mắt, đề tài thời sự và giá trị lâu dài, đề tài vĩnh cửu..., thì ở một số điểm khác đã thấy họ biểu hiện sự xích lại gần nhau, tiếp thu những mặt khả thủ của nhau. Chẳng hạn, yêu cầu về sự thống nhất, không thể tách rời giữa nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật của tác phẩm; về mục đích chung có tính chất tổng thể mà văn chương nghệ thuật hướng tới là Chân, Thiện, Mỹ chứ không thể biệt lập tách riêng một phương diện nào; về bản thể sinh tồn của văn học là vì con người, cho con người; về yêu cầu không thể thiếu được của tài năng, cá tính sáng tạo độc đáo, giọng điệu riêng của bản lĩnh cầm bút. Những bài viết của Lan Khai tham gia tranh luận tuy không tránh khỏi phiến diện, cực đoan “nghệ thuật vị nghệ thuật”, song ông đã đi sâu vào những khía cạnh khác, xác đáng bàn về bản sắc dân tộc của văn hoá, văn nghệ, về thiên chức cao cả của văn nghệ sĩ, về đòi hỏi cao đối với tài năng và lao động nghệ thuật...

Là một tạp chí ra hàng tháng, định kỳ, song Tao Đàn vẫn chú ý đến những bài viết ngắn gọn trong phần Tạp ký, trong mục Điểm sách, Giới thiệu sách mới, Thư cho bạn. Với tác giả trẻ, tạp chí dành một sự ưu ái trong phê bình, thư từ trao đổi. Bài viết của Hoài Thanh về Một nhà thơ nhiều hi vọng: ông Phan Khắc Khoan và các bức thư của Lan KhaiGửi một bạn trẻ muốn theo đuổi nghề viết văn, Thư cho bạn... cho thấy trách nhiệm và tấm lòng của thế hệ đàn anh đối với việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng trong lực lượng trẻ là cần thiết đến nhường nào!
Như trên đã nói, Tao Đàn dành trọng tâm cho phần Nghệ thuật  tức là dành nhiều số trang để đăng các sáng tác của các tác giả trong mỗi số. Trước hết là văn xuôi; người đọc có dịp thưởng thức văn tài của các cây bút quen thuộc như Vũ Trọng Phụng, Lan Khai...

Trên nhiều kỳ của Tạp chí, Lan Khai đã cho đăng những sáng tác mới của ông gồm truyện ngắn, truyện vừa như Lấy vợ cócĐồng tiền Vạn Lịch, Cái ám ảnh, Mọi rợ... hoặc tuỳ bút như Đau và chết. Truyện ngắn thuộc di cảo của Vũ Trọng Phụng, nhờ tạp chí Tao Đàn, đã đến với độc giả ngay sau ngày nhà văn họ Vũ yểu mệnh. Đặc biệt, cây bút mới Nguyễn Tuân xuất hiện đều đặn, liên tục. Với loạt 10 truyện ngắn - thường xuyên được đăng trọn vẹn trong mỗi số - dưới đề mục Vang bóng một thời. Nguyễn Tuân đã gây được ấn tượng mạnh mẽ trong người đọc về một cây bút văn xuôi có nghề, tài hoa, kỹ lưỡng trong câu chữ, diễn đạt. Chỉ một năm sau, vào năm 1940, các truyện ngắn đã in trên Tao Đàn của ông đã được tập hợp lại in thành sách dưới tựa đề “Vang bóng một thời. Như đánh giá của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, đây là “một tập rất quý”, giá trị của nó “sẽ còn tăng lên mãi với thời gian” vì “văn phẩm gần tới sự toàn thiện, toàn mỹ” (*). Quả thực, loạt truyện này là đỉnh cao của tài năng Nguyễn Tuân, in đậm dấu ấn phong cách truyện ngắn không thể trộn lẫn của ông. Viết về những cái đã qua của một thời dĩ vãng,bằng giọng văn thành kính, trầm lắng và đượm buồn, cảm phục xen lẫn nuối tiếc, hoài niệm về cái đẹp của người và cảnh, của nghiệp dĩ và nếp sinh hoạt của cha ông ngày trước, truyện Nguyễn Tuân tạo được đồng cảm về sự liên tài, về những giá trị nhân bản đích thực như một di sản do tiền nhân để lại mà con cháu không thể để bị mai một do bụi thời gian.

Sau văn xuôi là kịch. Toan Ánh và Vũ Trọng Phụng là 2 tác giả kịch bản văn học có tác phẩm được đăng tải trọn vẹn qua nhiều kỳ tạp chí.
Trên những trang dành cho thơ, người đọc gặp lại các nhà thơ mới khá quen biết: Đông Hồ, Lưu Trọng Lư, Trần Huyền Trân, Phạm Hầu. Lưu Kỳ Linh... Một số bài hay của các thi sĩ này, mấy năm sau đó được Hoài Thanh - Hoài Chân chọn đưa vào hợp truyển bất hủ Thi nhân Việt (1932 - 1941)
Có thể nói với những ngày tháng làm Tạp chí Tao Đàn, Lan Khai đã được thoả nguyện, thể hiện đầy đủ tâm huyết và chí bình sinh của mình góp công sức vào xây dựng một nền văn chương giàu bản lĩnh tinh thần dân tộc Việt Nam, đậm nét bản sắc văn hoá dân tộc, cả trong tư duy về nghệ thuật cũng như trong thành tựu sáng tác.

Tao Đàn
 như một ngôi sao băng,vụt hiện trên bầu trời văn học nước ta trong những ngày giông bão chiến tranh đang vần vụ, nhưng ánh sáng chói ngời của nó đã toả rạng, để lại dấu ấn khó quên trong tâm thức giới sáng tác và người đọc đương thời cũng như rất lâu về sau đến tận hôm nay.
Thành công của Tao Đàn là đáng kể, có thể nói là do thực hiện sát sao tôn chỉ đặt ra là phấn đấu xây dựng nền văn chương nghệ thuật mang dấu ấn đặc sắc của dân tộc. Do đó, nó đã thu hút, gây được cảm mến trong đội ngũ cộng tác viên, nghệ sĩ tên tuổi. Họ đã tích cực đóng góp bài vở công phu, tâm huyết cho các chuyên mục định hình của tạp chí. Tên tuổi của những học giả, văn nghệ sĩ xuất hiện trên Tao Đàn, trong đó có vai trò không nhỏ của Lan Khai với tư cách vừa là người định hướng tổ chức bài vở của Tạp chí liền trong 10 số đầu, vừa là nhà sáng tác văn xuôi, một cây bút tuỳ bút, tiểu luận - phê bình, là những tên tuổi sáng giá của nền văn chương, học thuật Việt Nam thời kỳ rực rỡ nhất thuộc nửa đầu thế kỷ XIX. Các thế hệ sau khi tìm hiểu chân dung tinh thần và sáng tác của họ, không thể không lần giở Tao Đàn, tìm đọc những bài của họ xuất hiện lần đầu trên tờ Tạp chí văn học thân thuộc và nổi tiếng này.
 Hà Nội, 24 tháng 6 năm 2006
         N.N.T
(Nguồn: TCSH số 211 - 09 - 2006)




-------------
(*) Nhà văn hiện đại, Nhà xuất bản Tân Dân Hà Nội, 1942; Nhà xuất bản Khoa học xã hội tái bản, Hà Nội, 1989, tập I, tr.415.

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

NHÌN NHẬN THÊM VỀ VỊ TRÍ CỦA VŨ ĐÌNH LONG (1896 - 1960) TRONG LỊCH SỬ VĂN HỌC


TUYỂN TẬP KỊCH VŨ ĐÌNH LONG
Vũ Đình Long quê gốc ở thôn Mộc Xá, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây). Sinh ngày 19-12 năm 1896, mất ngày 14-8-1960 tại Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn (1957) và Hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Lúc thiếu thời, ông học chữ Nho. Từ 1907 đến 1915, ông theo học Trường Tiểu học Pháp-Việt và Trường Trung học Paul Bert. Năm 1916 ông theo học ngành bào chế trường Thuốc. Sau đó, ông chuyển sang dạy học tại Thị xã Hà Đông. Từ năm 1925, ông mở hiệu sách và Nhà xuất bản Tân Dân; làm chủ Nhà in Tân Dân và chủ trương các báo: Tiểu thuyết thứ Bảy (1934-1942); Phổ thông bán nguyệt san (1936-1941); Tuần báo Ích Hữu (1937-1938); Tạp chí Tao Đàn (1937-1938);... Năm 1943 ông trở lại sáng tác với vởĐàn bà mới. Thời kì kháng chiến chống Pháp ông tản cư cùng gia đình ở Hà Đông, Việt hóa và phóng tác nhiều vở kịch Pháp.
Các tác phẩm chính:
Chén thuốc độc (Kịch 3 hồi – 1921); Tây Sương tân kịch(2) (Kịch 5 hồi – 1922); Toà án lương tâm (Bi kịch 4 hồi – 1923); Đàn bà mới (Kịch 4 hồi – 1944), Thờ nước(1947), Việt hóa vở Servir của Henri La Vedan; Công tôn nữ Ngọc Dung (1947) – Việt hóa vở L’Averturiére của Emile Augier; Tổ quốc trên hết hay là Tình trong khói lửa(1949), Việt hóa vở Horace của Corneille; Gia tài (1958), Việt hóa vở Le Legrataire Universel của Regnard; Ép duyên hay là Trên đường cải tạo (1958).
*
Nhìn vào danh mục tác phẩm, ta thấy Vũ Đình Long sáng tác không nhiều. Nhưng với vở Chén thuốc độc (1921), ông lại có vị trí rất đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Ngay khi vở kịch được gửi đến Toà soạn Hữu Thanh tạp chí ngày 26-7-1921 và công diễn lần đầu tại Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 22-10-1921, nhiều văn sĩ, ký giả, nhiều nhà hoạt động xã hội và công chúng đương thời đã tôn vinh Vũ Đình Long là người mở đầu cho thể loại kịch trong lịch sử văn học nước ta. Trên Hữu Thanh tạp chí số 3 năm 1921, nhân khi nhận được vở kịch do tác giả gửi đến, chủ bút Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu đã viết những lời cảm khái sau đây: “Vở kịch của ông Vũ Đình Long in ra sau đây, so với văn giới các nước thời chưa dám biết ra làm sao, so với quốc văn sau này cũng chưa dám biết ra làm sao. Nhưng cứ trong áng văn chương hiện thời của ta hiện nay, thời vở kịch của ông tưởng cũng đáng là có giá trị. Ông Vũ Đình Long mang một cái văn tài như thế, sao trước không thấy ông ra với xã hội?... Nay, nhân một ông Vũ Đình Long mà suy nghĩ, trong xã hội chắc cũng còn nhiều người có mang cái văn tài ấy như ông Vũ Đình Long, hơn ông Vũ Đình Long mà ngọc náu đầu non, châu chìm đáy biển, khiến cho kẻ tháng ngày mong mến ngóng nước thu man mác ngọn khiêm hà. Nay, nhân một ông Vũ Đình Long mà tôi sinh ra vô hạn cảm khái cho văn giới nước nhà. Cũng nhân một ông Vũ Đình Long mà tôi có một chút mừng cho văn vận nước ta vậy... In vở kịch này của ông Vũ Đình Long tưởng cũng là có một chút công với quốc văn”(3) .
Ba tháng sau, nhân lần công diễn đầu tiên do Hội Bắc Kỳ công thương đồng nghiệp và Hội đồng diễn kịch tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 26-10-1921 để lấy tiền giúp đỡ trẻ mồ côi, nhiều bài diễn thuyết đã đưa Vũ Đình Long và vở Chén thuốc độc lên vị trí mở đầu của kịch cũng như của nền văn học mới. Đây là lời ông Nguyễn Mạnh Bổng – Tổng thư ký Hội Bắc Kỳ công thương đồng nghiệp: “Văn học sử nước ta sau này chép đến lối văn kịch có lẽ sẽ kể đầu từ bản kịch Chén thuốc độc này của ông Vũ Đình Long. Vì kịch bản nước ta soạn theo lối mới này, ông Vũ Đình Long là người xuất hiện thứ nhất. Bản kịch đầu tiên của ông ở trong làng văn lại là bản kịch xuất sắc hơn... Ngày 22 tháng 10 năm 1921 này thực sự là một ngày kỷ niệm lớn trong văn học sử nước ta về việc diễn kịch theo lối mới mà thuần nhiên dùng văn ta tả những cảnh xã hội ta”(4).
Cũng trong đêm diễn đó, ông Dương Nhữ Tiếp – Hội trưởng Hội đồng diễn kịch nhận xét: “Chưa bao giờ có bản tuồng tả phong tục Annam, diễn theo đúng thể cách Annam như bản kịch Chén thuốc độc của ông Vũ Đình Long mà chúng tôi diễn ngày hôm nay”(5).
Sau đêm diễn, các báo xuất bản trong nước bằng tiếng Việt như: Nam Phong, Thực nghiệp dân báo, Hữu Thanh tạp chí... và tiếng Pháp như: Lavenir du Tonkin, Le courrier dHai phong, France-Indochine, v.v... đều đăng các bài tường thuật, giới thiệu, phê bình, tạo dư luận rất sôi nổi xung quanh vở diễn. Người ta xem đây là trường hợp thành công có ý nghĩa mở đường, là dấu hiệu của một thời kỳ văn học mới.
Vị trí của Vũ Đình Long và ý nghĩa của sự ra đời vở kịch Chén thuốc độc theo đánh giá của những người đương thời như ta vừa thấy ở trên là hoàn toàn chính xác và thoả đáng. Sau sự xuất hiện của vở kịch, một thể loại mới trong lịch sử văn học dân tộc đã ra đời và phát triển, khiến cho diện mạo văn học Việt Nam thời kỳ này đổi khác, đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn và hiện đại hơn. Nó không chỉ làm thay đổi tính chất mà còn làm thay đổi cả cấu trúc của nền văn học. Cũng như nhiều nước trong khu vực Đông và Đông Nam châu Á, trước khi có kịch nói, Việt Nam chỉ có Tuồng, Chèo và Rối nước vốn là những loại hình nghệ thuật trình diễn với đặc trưng hàng đầu là phi văn bản. Tuy đến thời kỳ cận đại, với vai trò của Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh, Bùi Hữu Nghĩa (Tuồng), Nguyễn Đình Nghị, Nguyễn Thúc Khiêm (chèo) thì các tích Tuồng, tích Chèo đã được san nhuận, chỉnh lý và biên soạn để trở thành một nghệ thuật có văn bản, nhưng chủ yếu vẫn là những văn bản hình thành dựa trên những tích truyện có sẵn  cho nên vai trò bác Thơ, vai trò ông Trùm, vai trò thầy Tuồng vẫn lấn át vai trò nghệ sĩ sáng tạo và văn bản các vở Tuồng, Chèo do họ thiết lập vẫn chưa mang đầy đủ tính chất của một sáng tác văn học. Khi kịch nói xuất hiện, đồng thời với sự xuất hiện kịch bản là sự hiện diện của vai trò tác giả với tư cách là nhà văn, nhà nghệ sĩ sáng tác. Kịch bản là phương thức tồn tại đời sống văn học của kịch để từ đó người ta tạo lập đời sống sân khấu (vở diễn) cho nó. Như vậy, với Kịch nói, kịch bản văn học là cái có trước vở diễn sân khấu. Tư cách là một thể loại văn học của kịch nói cũng được khẳng định trước hết ở đặc điểm này.
Như ta đã biết, trước khi xuất hiện vở Chén thuốc độc, dưới ảnh hưởng của các vở kịch dịch, đặc biệt là vở Người bệnh tưởng của Moliere do Nguyễn Văn Vĩnh dịch, các trí thức Việt Nam thời đó gồm: Đoàn Ân, Trần Tuấn Khải, Nguyễn Hữu Kim, Vũ Đình Long, Hồ Trọng Hiếu, Nguyễn Ngọc Sơn, v.v… đã thành lập Hội Uẩn hoa, “sáng tác những vở “thời kịch” mô phỏng theo kịch Thái Tây để bổ ích cho nhân tâm thế sự nước nhà”. Các vở Mảnh gương đời, Bình địa ba đào của Trần Tuấn Khải; Cô giáo Phượng của Nguyễn Ngọc Sơn; Dây oan của Đoàn Ân… ra đời như một sự tập dượt, một sự chuẩn bị cho sự ra đời của vở Chén thuốc độc.
Theo Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu – Chủ bút Hữu Thanh tạp chí(6), vở kịch Chén thuốc độc được tác giả Vũ Đình Long gửi đến Toà soạn ngày 26 tháng 7 năm 1921. Đến tháng 9 năm 1921, toàn bộ vở kịch 3 hồi được đăng trên Hữu Thanh tạp chí các số 4 và 5. Sau đó, vở kịch được dàn dựng và công diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 22 tháng 10 năm 1921.
Người đương thời gọi đây là vở bi hài kịch được soạn theo “lối kịch thái Tây”, chủ yếu là theo hài kịch của Molière, bi kịch của Corneile và Racine – là những tác giả của kịch cổ điển Pháp thế kỷ XVII được các tầng lớp Tây học ở Việt Nam biết đến qua các bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh in trên Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chítừ mấy năm trước đó. Về cơ bản, nghệ thuật biên kịch ở Chén thuốc độc vẫn tuân theo qui tắc tam nhất của kịch cổ điển. Nhưng về thể loại, ở Chén thuốc độc là sự pha trộn giữa bi kịch và hài kịch như xác nhận của người đương thời. Nếu ở đây có sự lẫn lộn hoặc sự không nhận thức thấu đáo về đặc trưng mĩ học của bi kịch và hài kịch thì cũng là điều dễ hiểu. Đến tận đầu những năm 30, khi ảnh hưởng phương Tây và ảnh hưởng Pháp đã đạt đến độ chín muồi, nhiều tác giả vẫn còn tỏ ra chưa có ý niệm thật đầy đủ và chính xác về vấn đề này thì ở buổi đầu trứng nước, còn đầy những mới lạ, ngỡ ngàng như Vũ Đình Long, tránh sao nổi hiện tượng đó?
Nội dung câu chuyện kịch Chén thuốc độc kể về gia đình thầy Thông Thu – một công chức khá giả trong xã hội đương thời. Trước những tác động của xã hội, mỗi thành viên trong gia đình thầy hư hỏng theo mỗi cách khác nhau. Mẹ và vợ thì nhiễm thói đồng bóng, chỉ ham mê buôn thần bán thánh, chăm lo lễ lạt, chầu ngự; em thì hư hỏng, chửa hoang; còn bản thân thầy thì đam mê hát xướng, thường xuyên lui tới “xóm Bình Khang”, lại thêm bọn du đãng bợ đỡ, nịnh hót, dắt díu vào các cuộc chơi bời... Nề nếp gia đình đảo lộn; nợ nần chồng chất ngày một nhiều; gia phong bại hoại. Khi sực tỉnh, nhận ra thảm kịch đó thì cơ sự đã muộn, gia sản bị tịch thu. Trong cơn bế tắc, thầy Thông Thu không biết làm gì khác hơn là tìm đến chén thuốc độc để giải thoát. Kết cục bi đát sắp diễn ra thì may sao, có người mang thư và giấy mời nhận tiền đến. Đó là món quà của người em lưu lạc sang Lào đã biệt tích từ lâu, nay khá giả gửi tiền về biếu mẹ và anh. Có được món tiền, thầy Thông Thu qua được cái chết, trả được nợ, cứu vãn được gia đình và từ đó tu tỉnh bản thân.
Câu chuyện đơn giản và kết thúc một cách ngẫu nhiên, tình cờ nhưng ý nghĩa của nó lại rất thực, rất hợp với xã hội Việt Nam đương thời nên nó được công chúng đón nhận và dư luận đánh giá cao. Trong bài diễn thuyết của ông Nguyễn Huy Hợi – Hội trưởng Hội Bắc Kỳ công thương đồng nghiệp tại buổi công diễn đầu tiên có đoạn: “Chén thuốc độc tưởng tượng ra một cái gia đình ở trong buổi giao thời này, tả ra những cái nhầm nhỡ gây nên tai vạ khiến cho người xem rõ được nhẽ phải chăng, thật là có ích cho phong hoá nước nhà”.
Có thể nói, những hiện tượng và những nguyên nhân suy thoái đạo đức đẩy gia đình thầy Thông Thu đến nguy cơ đổ vỡ, tan nát là hiện tượng và nguyên nhân khá phổ biến trong xã hội Việt Nam thời kỳ này. Trước sự xâm nhập của lối sống phương Tây, xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX đã diễn ra những thay đổi khá căn bản, đặc biệt là ở thành thị và lớp người mới chịu sự đào luyện của môi trường giáo dục Pháp. Bên cạnh những thay đổi theo hướng tiến bộ, những giá trị tích cực phù hợp với qui luật phát triển của lịch sử và văn hoá, có không ít những cái kệch cỡm, lai căng, những biểu hiện của lối sống vị kỷ, chạy theo sở thích cá nhân, chà đạp lên đạo lý và thuần phong mĩ tục dân tộc. Thực trạng đó không chỉ diễn ra trên bình diện xã hội mà còn tấn công vào từng gia đình, từng cá nhân, phá vỡ những thiết chế đạo đức và tinh thần tưởng như “không di dịch” (Hoài Thanh) trong xã hội Việt Nam hàng nghìn năm trước.
Ở vở kịch này ta thấy, Vũ Đình Long tuy không đứng hẳn trên lập trường đạo đức phong kiến để phê phán, nhưng trong khi phê phán ta vẫn thấy ông là người nhân danh truyền thống, đại diện cho truyền thống là chính chứ chưa phải là người nhân danh cái mới, cái tiến bộ. Nói đúng hơn, ở vở kịch này, cũng như vở Toà án lương tâm được sáng tác 2 năm sau (1923), Vũ Đình Long mới chỉ đứng về phía lương tri, nhân danh lương tri để phanh phui, phê phán và kết án dục vọng (chủ yếu là dục vọng cá nhân) là chính.
Qua sự phê phán của Vũ Đình Long ta nhận thấy rất rõ những vấn đề xã hội đạo đức diễn ra trong xã hội Việt Nam ở buổi giao thời.
Cũng như rất nhiều vở kịch khác được viết vào những năm 20, hạn chế lớn nhất của Chén thuốc độc là tính thuyết giáo, một căn bệnh có nguồn gốc cả từ trong nghệ thuật truyền thống của dân tộc lẫn nguồn gốc từ kịch cổ điển châu Âu. Như nhận xét của người đương thời, các tác giả đã nhảy xổ cả vào nhân vật của mình để thuyết giáo về đạo đức, để răn dạy về đạo lý. Sự say sưa đó khiến cho tác giả không còn tôn trọng được lôgíc khách quan của vở kịch, không chế ngự được tình huống. Do đó tác giả phải mượn đến cái cớ ngẫu nhiên để can thiệp vào vở kịch như bức thư và tờ giấy nhận tiền trong vở Chén thuốc độc là chuyện dễ hiểu.
Dẫu sao, với sứ mệnh mở đầu, vở Chén thuốc độc xứng đáng được lịch sử văn học ghi nhận, và tác giả của nó – Vũ Đình Long xứng đáng đứng vào hàng những tác giả tiên phong của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Sau vở Chén thuốc độc (1921), năm 1922 Vũ Đình Long phóng tác vở Tây Sương tân kịch (Kịch 5 hồi) dựa theo Tây Sương ký của Vương Thực Phủ, nhưng vở kịch không gây được dấu ấn gì đặc biệt. Đến năm 1923, Vũ Đình Long viết tiếp vở Toà án lương tâm – một vở bi kịch 4 hồi, 1 cảnh.
Khác với vở Chén thuốc độc kết thúc có vẻ có hậu, vở Toà án lương tâm kết thúc trong cảnh sân khấu la liệt xác chết giống như cảnh tượng trong một số vở bi kịch của W. Shakespeare vậy.
Trong Lời nói đầu của vở kịch, tác giả Vũ Đình Long tiết lộ: “Chúng tôi vốn thích đọc kịch Tây nên đã hiểu qua loa được những phép tắc của thuật soạn kịch. Chúng tôi tập làm quốc văn, thấy hiện trong văn giới nước ta chưa ai lưu tâm đến việc soạn kịch theo lối mới nên đánh bạo thử viết Toà án lương tâm này, là bản kịch thứ ba của chúng tôi, nhưng kể về bi kịch thì mới là bản thứ nhất mà chúng tôi tự xét hãy còn nhiều khuyết điểm”.
Rõ ràng trong ý thức tác giả, đây là vở bi kịch học theo lối viết của kịch Tây. Nội dung vở kịch có phần giống với vở Chén thuốc độc. Đó là câu chuyện xẩy ra trong một gia đình công chức (thầy Ký Phú) “gia thế sa sút nhưng vẫn giữ lối Nho phong” (lời dẫn của tác giả về bài trí). Thầy Ký Phú tuy làm công chức nhưng lại yêu văn chương nghệ thuật, thích sống trong sạch theo đạo lý Nho gia và là người chồng chỉn chu, chí thú trong công việc. Nhưng trái lại, vợ thầy là cô giáo Quý lại thích đua đòi ăn chơi, khao khát phú quí vật chất. Từ chỗ chê bai chồng, cô đã tiến đến chỗ phản bội chồng, bắt nhân tình với một thanh niên nhà giàu, có học nhưng bất lương với mục đích vừa để thoả mãn ham muốn nhục dục cá nhân, vừa để bòn rút của cải. Vì muốn được tự do thực hiện ý đồ của mình, cô đã cùng với tình nhân mưu giết chồng là Ký Phú. Sợ bị bại lộ, họ đã giết luôn cả người bạn tốt và người đầy tớ trung thành của chồng. Thực hiện xong âm mưu, gian phu, dâm phụ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, hết lăn lóc trong các cuộc truy hoan lại lăn lóc trong các cuộc bài bạc. Nhưng mọi chuyện rồi cũng đến lúc phai nhạt. Lương tâm cắn rứt, chịu không nổi, trong sự hối hận muộn màng, cả hai đã kết thúc cuộc đời bằng súng lục. Đến trước khi chết họ mới nhận ra: “Nghiêm ngặt, ghê gớm thay là toà án lương tâm. Luật pháp của xã hội thì còn có thể vượt qua được, chứ đến cái lưới của toà án lương tâm thì tội nhân, ác phạm không tài nào tránh thoát” (Lời ả Quay – Scène thứ VIII).
Bi kịch trong gia đình thầy Ký Phú cũng như bi kịch của đôi tình nhân là kết cục của một cuộc đụng độ, một cuộc đối đầu giữa lương tâm và dục vọng của tầng lớp trung lưu tiểu tư sản thành thị trong xã hội Việt Nam những năm 20. Qua vở kịch, chúng ta có dịp được chứng kiến sự lung lay của đạo đức phong kiến, sự rạn nứt của thiết chế hôn nhân và gia đình phương Đông cổ truyền trước ảnh hưởng của lối sống cá nhân tư sản phương Tây. Trước sự xô đẩy của hoàn cảnh, sức phản kháng và chống đỡ của mỗi cá nhân thật yếu ớt. Đặc biệt là thầy Ký Phú. Có lẽ chính cái “lối Nho phong” còn sót lại trong tư tưởng, trong quan niệm về đạo đức và gia đình của nhân vật này đã tạo nên cái bạc nhược của anh ta. Trước mắt Ký Phú, mọi cuộc hôn nhân trong xã hội chỉ vì tiền. Các bậc cha mẹ thì tính toán, xếp đặt, tác thành cho con cái theo đầu óc vụ lợi của mình nên xã hội đầy rẫy những cảnh “gái giết chồng”, cảnh “ý tình không hợp, nay cãi nhau, mai đánh nhau”. Nhưng anh ta không đủ tỉnh táo để nhận ra sự phản bội của chính vợ mình. Cái chết của Ký Phú là bước lùi, là sự thất bại của lương tri trước dục vọng. Nhưng như ta đã thấy ở vở Chén thuốc độc, Vũ Đình Long trước sau vẫn đứng trên lập trường đạo đức phong kiến để phê phán và giải quyết xung đột nên ở cuối vở Toà án lương tâm, ông cho 2 nhân vật cô Quý và ả Quay phải chết trong sự cắn rứt đến điên loạn của lương tâm. Điều đó cũng có nghĩa là sự thắng thế trở lại của lương tâm trước dục vọng. Đây là một trong những xung đột bản chất của xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Thực ra, vấn đề lương tri và dục vọng hay nói rộng ra là vấn đề đạo đức không phải chỉ là vấn đề của riêng kịch nói mà nó còn là vấn đề của tiểu thuyết, văn xuôi và những lĩnh vực khác trong xã hội đương thời. Sự hấp dẫn của đề tài này đã tạo thành một khuynh hướng kịch phổ biến trong văn học Việt Nam những năm 20 với các tác giả tiêu biểu: Vũ Đình Long (Chén thuốc độc – 1921, Toà án lương tâm – 1923); Nguyễn Hữu Kim (Bạn và vợ – 1927, Cái đời bỏ đi – 1928, Thủ phạm là tôi – 1928, Giời đất mới – 1929...); Từ Sơn (Tình hối – 1922); Trung Tín (Toa toa, moa moa – 1925, Kẻ ăn mắm, người khát nước – 1926); Vi Huyền Đắc (Hai tối tân hôn – 1924, Uyên ương – 1927, Hoàng Mộng Điệp – 1928...)...
Trong Lời nói đầu của vở kịch, Vũ Đình Long thừa nhận: “Soạn kịch theo lối này là một việc rất khó, khó nhất là ở kết cấu, kết cấu thế nào cho sen nọ sen kia liên tiếp nhau như thực mà hồi nào hồi ấy có vẻ hoạt động tự nhiên”.
Thực tế cho thấy tác giả đã vượt qua đượt cái khó này để tạo ra một kết cấu tương đối hoàn chỉnh giữa các hồi và cảnh, dẫn dắt tình huống, triển khai xung đột một cách hợp lí, hành động kịch phát triển hợp lôgíc nội tại.
Tuy nhiên, về mặt thể loại, Vũ Đình Long vẫn tỏ ra lẫn lộn giữa bi kịch và hài kịch nên trong cùng một vở Toà án lương tâm, lúc thì ông gọi là bi kịch, lúc thì ông gọi là hài kịch. Sự lẫn lộn này còn kéo dài tới tận đầu những năm 30 ở nhiều tác giả. Ví dụ, khi sáng tác vở Không một tiếng vang (1933) Vũ Trọng Phụng giới thiệu đây là vở dân sinh bi kịchđược viết đúng theo kịch Thái Tây nhưng thực chất đó chưa phải là một bi kịch đúng nghĩa của nó. Song, dẫu sao Tòa án lương tâm vẫn đạt được phần nào hiệu ứng thanh lọc, tẩy rửa tâm hồn (catharsis) mà một vở bi kịch chân chính cần phải đạt được. Sự lầm lẫn của Vũ Đình Long khiến cho Tòa án lương tâm không trở thành bi kịch thực sự như ông mong muốn có lẽ chủ yếu là do ông chưa thật nhận thức được đầy đủ các đặc trưng thể loại bi kịch và các sắc thái mỹ học của Cái bi nên kết thúc vở có bi lụy mà chưa có bi kịch. Trên sân khấu, phần lớn các nhân vật đều tìm đến cái chết để kết thúc số phận, nhưng trong lòng người đọc, người xem lại thấy thiếu vắng những xúc cảm thẩm mĩ cao thượng, thậm chí xem đó là một kết thúc đáng có, đáng đời cho các nhân vật chính của vở kịch.
Mặc dù vậy, với 2 vở Chén thuốc độc và Tòa án lương tâm, Vũ Đình Long là một trong số những tác giả đặt những viên gạch đầu tiên xây nền đắp móng cho sự hình thành và phát triển của văn học Việt Nam hiện đại, trước hết là ở thể loại kịch.
Sau vở Tòa án lương tâm, Vũ Đình Long tạm dừng sáng tác để chuyên tâm hoạt động ở lĩnh vực xuất bản mà theo ông “rất cần cho sự chấn hưng văn chương”. Đã có lúc ông nghĩ: “Công cuộc ấy (xuất bản) có ích hơn là cặm cụi ngồi soạn năm mười vở kịch chưa chắc đã hay ho gì” (Tựa cho vở Đàn bà mới). Với vai trò chủ nhà xuất bản, nhà in Tân Dân và là một trong số những người chủ trương Tiểu thuyết thứ bảy (1934-1942), Phổ thông bán nguyệt san (1936-1941), Tạp chí Tao Đàn (1937-1938)… Vũ Đình Long đã góp một phần đáng kể vào việc quảng bá, khích lệ, kích thích sáng tạo văn chương nghệ thuật đương thời. Có nhà nghiên cứu đánh giá Tân Dân của Vũ Đình Long như một bà đỡ cho sự ra đời của không ít các tác phẩm văn chương, khảo cứu quan trọng thời kỳ này. Những tưởng như vậy ông đã xếp bút, “rửa tay gác kiếm” để an tâm theo đuổi một sự nghiệp khác!
Nhưng đúng 23 năm sau, trong một cuộc trò chuyện vào giờ giải lao ở sảnh đường Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội cùng Trương Tửu và một số văn hữu khi đến xem vở kịch thơQuán biên thùy (1943) của Thao Thao, Trương Tửu đã khích lệ Vũ Đình Long nên trở lại viết kịch. Đó là một trong những lí do để ông viết vở Đàn bà mới (1943), tiếp tục chĩa mũi nhọn công kích vào lối sống cá nhân tư sản phóng đãng đang ảnh hưởng rất mạnh đến quan niệm sống và lối sống của phụ nữ, làm đảo lộn thuần phong mỹ tục, trật tự gia đình và quan hệ xã hội đương thời. Theo Vũ Đình Long, sau khi hoàn tất vở kịch, ngoài lời đề tặng Trương Tửu để tỏ lòng tri ân về sự khích lệ, ông còn có lời đề tặng hai nhà văn Nguyễn Tuân và Lan Khai vì cảm phục tài Nguyễn Tuân đóng vai Trần Thiết Chung trong vở Kim tiền (1937) của Vi Huyền Đắc và Lan Khai đóng vai Ngô Thời Nhiệm trong vở kịch thơ Thế chiến quốc (1942) của Trần Tử Anh. Tuy vở kịch không thật đặc sắc và không vượt qua được 2 vở ông đã sáng tác thời kì đầu, nhưng nó có ý nghĩa nối lại quá trình sáng tác đã đứt đoạn hơn 20 năm và khẳng định lại lập trường tư tưởng, lập trường sáng tác khá nhất quán của Vũ Đình Long từ Chén thuốc độc (1921) đến Đàn bà mới (1948). Đó là lập trường bênh vực những giá trị đạo đức truyền thống trước tác động của “gió Âu”, “mưa Á” diễn ra trong lịch sử xã hội Việt Nam suốt từ thời kỳ cận đại sang hiện đại.
Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 trở đi, như nhiều văn nghệ sĩ tiền chiến khác, với tinh thần công dân và ý thức mới về cách mạng và tổ quốc, Vũ Đình Long tiếp tục sự nghiệp sáng tác kịch theo một quan niệm riêng và cách thức riêng của mình. Trong khi phần lớn các nhà viết kịch bị cuốn hút theo những xúc cảm mãnh liệt về cách mạng tháng Tám, về cuộc sống mới, con người mới kháng chiến làm xuất hiện hàng loạt những vở kịch ngắn, những hoạt cảnh gắn liền với đời sống và sinh hoạt kháng chiến thì Vũ Đình Long từ nơi tản cư ở Mục Xá – Hà Đông lại kiên trì phóng tác, Việt hóa các vở kịch Pháp thành kịch Việt Nam với mong muốn khiêm tốn là “làm được đôi việc hữu ích cho sự cổ động cái tinh thần ái quốc trong quốc dân” như các vở: Thờ nước (1947), Việt hóa vở Servir của Henri La Vedan; Công tôn nữ Ngọc Dung (1947), Việt hóa vở L’Averturiére của Emile Augier; Tổ quốc trên hết hay là Tình trong khói lửa (1949), Việt hóa vở Horace của Corneille; Gia tài (1958), Việt hóa vở Le Legrataire Universel của Regnard, v.v… Trong lời ghi chú in ở trang đầu vở Gia tài, tác giả đã giải thích về công việc Việt hóa của mình như sau: “Theo quan niệm riêng của chúng tôi thì Việt Nam hóa là dịch hay phóng tác và đưa vào hoàn cảnh Việt Nam một bản kịch ngoại quốc. Nguyên tắc Việt Nam hóa của chúng tôi là dịch sát nguyên văn hay dịch tự do tùy tiện, cố gắng giữ lấy thật nhiều cái đẹp, cái hay của nguyên tác, thêm bớt, thay đổi, cắt xén… biến vở kịch nước ngoài thành vở kịch Việt Nam”. Ông biết rất rõ: “một vở kịch Việt Nam hóa như thế có khuyết điểm, nhưng theo chủ quan cũng có một số ưu điểm đáng kể là gần ta hơn, dễ thông cảm hơn, truyền cảm mạnh và sâu sắc hơn, dễ diễn xuất hơn là dịch thẳng theo nguyên bản”. Trong khi Việt hóa, tác giả còn tính đến cả khả năng dàn dựng trong điều kiện nghiệp dư, tài chính eo hẹp, phương tiện nghèo nàn, lấy đâu tiền để sắm được những trang phục đắt tiền và cầu kỳ từ thời Lu-i XIV. Với ý nghĩ như vậy, ông coi việc Việt hóa hay phỏng dịch của mình là một cách  để bày tỏ “chút nhiệt tâm đối với nghệ thuật sân khấu nước nhà” và chút lòng thành muốn được phục vụ khán giả chế độ mới.
Trong Lời nói đầu của vở Tổ quốc trên hết (Tình trong khói lửa) Việt hóa từ vở Horace của Corneille, Vũ Đình Long viết: “Chúng tôi muốn ca ngợi và cổ động tinh thần ái quốc cho nên chúng tôi đã hân hoan đón lấy vở Horace và đã say sưa viết kịch Tổ quốc trên hết này… Nếu cái công phu nhỏ mọn của chúng tôi mà có ích được một đôi chút cho sự cổ động cái tinh thần ái quốc trong dân quốc thì thật là may mắn cho chúng tôi lắm”. Sau đêm công diễn tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội ngày 31-10-1953, trả lời phỏng vấn dư luận báo chí, ông Nguyễn Hữu Lượng chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Đoàn kết đưa ra nhận xét:
“Thành thật phải nhìn nhận rằng tác phẩm Tổ quốc trên hết là một sản phẩm hợp thời và trong lúc đang cần nuôi nấng lòng yêu nước thiết tha trong lòng tất cả mọi người Việt Nam thì sự Việt Nam hóa được những sản phẩm cổ điển Pháp là một sáng kiến huyền diệu… Những văn phẩm cổ điển Pháp cần phải được phiên dịch ra quốc văn, nếu có thể được thì phải thích nghi theo tình trạng xã hội Việt Nam như ông Vũ Đình Long đã Việt hóa vở Horace của Corneille”. Cũng về vở kịch này, bài phê bình của Nghiêm Vĩnh Cẩn trên báo Tia sáng ra ngày 7-11-1953 nhận xét: “Văn chương Vũ Đình Long trong vở này tuy là phiên dịch của nhà văn hào, kịch sĩ trứ danh Corneille cũng làm cho ta nhận được chân giá trị căn bản của nó”. Một sự đánh giá như vậy cho thấy việc Việt hóa các vở kịch nước ngoài của Vũ Đình Long đã được công chúng và các bạn đồng nghiệp đón nhận như thế nào. Tuy ngày nay, chúng ta có những yêu cầu khác hơn, những quan niệm khác hơn về dịch thuật so với thời Vũ Đình Long tiến hành công việc này, nhưng không vì thế mà chúng ta thiếu trân trọng các kết quả sáng tạo của ông. Chắc chắn sẽ không ai nghi ngờ về trình độ Pháp văn và khả năng trực dịch của ông. Với quan niệm về công việc Việt hóa và phóng tác như ông đã tự bộc lộ thì những gì Vũ Đình Long làm được trong thời kì này là kết quả của một quá trình tư duy sáng tạo hướng tới dân tộc và nhân dân như hầu hết các động cơ sáng tạo thời kì này.
Vào năm 1958, trước khi mất 2 năm, theo di bút của tác giả, ngày Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua Công-Nông-Binh toàn quốc cũng là ngày ông khởi thảo vở kịch 4 hồi Ép duyên hay là Trên đường cải tạo. Có lẽ đây là nỗ lực sáng tạo cuối cùng xác nhận thái độ của ông đối với công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa được tiến hành vào thời điểm này. Mâu thuẫn kịch tuy không gay gắt quyết liệt, thậm chí có nhiều chi tiết dễ dãi, nhưng nó lại phản ánh được phần nào những hoàn cảnh, những tâm trạng khá thực trong đời sống xã hội chính trị của đất nước, đặc biệt là của tầng lớp tiểu tư sản thành thị vốn là đối tượng chủ yếu của công cuộc cải tạo thời kì này. So với một số vở kịch có cùng đề tài như Quẫn của Lộng Chương chẳng hạn, vở Ép duyên có phần mờ nhạt về xung đột và tính cách cũng như về những vấn đề mà vở kịch muốn đề cập, nhưng ở đó ta thấy thấp thoáng hình bóng tác giả - một người có tình cảm chân thành, ứng xử theo cách riêng của mình trước các xu thế của xã hội và cuộc sống. Chính trong thời kì này, ông trở thành hội viên Hội Nhà văn và hội viên Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
Giữa hai thời kì sáng tác, trước và sau Cách mạng tháng Tám thì dấu ấn của Vũ Đình Long ở thời kì trước đậm hơn. Với dấu ấn này, đã có nhà nghiên cứu xem Vũ Đình Long là ông tổ của kịch nói xét trên phương diện sáng tạo kịch bản. Còn lịch sử văn học thì ghi nhận ông là một trong số những tác giả đặt viên gạch đầu tiên kiến tạo tiến trình văn học hiện đại1
_______________
(1) Năm 2009, Nhà xuất bản Hội Nhà văn và gia đình ông Vũ Đình Long đã cho ra mắt Tuyển tập kịch Vũ Đình Long, trong đó, lần đầu tiên công bố một số vở do ông Việt hóa và sáng tác từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp đến 1958. Đó là căn cứ để có một sự nghiên cứu đánh giá đầy đủ hơn về sự nghiệp sáng tác của Vũ Đình Long.
(2) Phỏng theo Tây Sương ký của Vương Thực Phủ.
(3) Hữu Thanh tạp chí, số 4-5 (tháng 9-1921).
(4), (5) Diễn thuyết trong đêm biểu diễn đầu tiên vở Chén thuốc độc của Vũ Đình Long.
(6) Hữu Thanh tạp chí số 3-1921.




Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 11/2009