Tìm kiếm Blog này

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
TIỀN BẠC CHI TIÊU RỒI CŨNG HẾT, CHỮ ĐỂ MAI SAU NGHĨA MÃI CÒN

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

VŨ ĐÌNH LONG - SÁNG LẬP VIÊN NXB TÂN DÂN VÀ VAI TRÒ CỦA ÔNG TRONG SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NHÓM TÂN DÂN

VŨ ĐÌNH LONG

Vũ Đình Long (19/12/1896 – 14/8/1960) là kịch tác gia đầu tiên và là nhà hoạt động xuất bản, văn hóa lớn của Việt Nam đầu thế kỉ XX. Ông biết cả chữ Nho và chữ Pháp.
Con đường để Vũ Đình Long trở thành một ông chủ xuất bản lớn ở nửa đầu thế kỉ XX cũng khá gian nan. Đến thời điểm 1934, tức khi ông đã 38 tuổi mới ra được tờ báo đầu tiên của mình, tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Với sự khôn khéo trong kinh doanh và sự chân tình trong tạo dựng các mối quan hệ với các nhà văn, tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy đã đứng vững và phát triển một cách rất mạnh mẽ, thậm chí cạnh tranh ngang ngửa được cả tờ Phong Hóa của Tự Lực Văn Đoàn đang rất nổi tiếng và ra đời trước 2 năm. Trong hồi ký Đời viết văn của tôi (NXB Thanh Niên 2004) Nguyễn Công Hoan kể lại rằng: “Tiểu Thuyết Thứ Bảy, trái với sự phỏng đoán của tôi và đúng với ý định của chủ nó, bán rất chạy. Năm nghìn, sáu nghìn, bảy nghìn, nó chỉ còn một địch thủ duy nhất là báo Phong Hóa” (tr.188-189).
Nhìn lại quãng đường trước khi hình thành nhà xuất bản Tân Dân ta thấy Vũ Đình Long đã có một quá trình hoạt động gắn chặt với văn học nghệ thuật. Về gia đình, thân sinh của ông cũng là một người ham thích ca kịch truyền thống dân tộc. Vũ Đình Long lớn lên được đào tạo cả Hán học và tiếng Pháp. Ông đã theo học tại Trường tiểu học Pháp – Việt, Trường trung học Paul Bert, rồi trường thuốc nhưng sau đó chuyển sang nghề dạy học. Trong thời gian làm giáo học ông thường xuyên tham dự những buổi bàn luận văn chương tại phòng khách Hồng Hoa – biệt thự Nguyễn Đình Thông. Chính những sinh hoạt văn chương này đã có tác động đến sự lựa con đường sáng tác của ông sau này.
Nói đến Vũ Đình Long không chỉ là nói đến một kịch tác gia nổi tiếng của văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX mà còn là nói đến một nhà hoạt động văn hóa lớn của dân tộc. Trong bài viết Vũ Đình Long – người khởi động và thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa của GS.Phong Lê (đăng trên website của Tạp chí Hội nhà văn Việt Nam ngày 30/12/2009) khẳng định: “Nói đến Vũ Đình Long  tôi muốn nhấn mạnh hai đóng góp lớn của ông cho tiến trình hiện đại hóa. Đó là: Tác gia kịch nói đầu tiên trong lịch sử sân khấu Việt Nam; và là người góp công lớn tổ chức nên thị trường văn chương, trong tư cách ông chủ báo, chủ xuất bản”. Và ở một đoạn khác GS.Phong Lê cũng nhấn mạnh: “trên 10 năm hoạt động, ở tư cách chủ bút, chủ xuất bản, Vũ Đình Long đã làm nên một sự nghiệp lớn - đó là việc góp công tổ chức nên một thị trường văn chương thật sôi động vào những năm 30; đã cho ra đời một khối lượng khổng lồ các tác phẩm gồm nhiều loại, với nhiều khuynh hướng sáng tác, và với nhiều thang bậc giá trị” và “Vũ Đình Long còn là người có công tham gia tổ chức, thúc đẩy các hoạt động văn học thời kỳ 1930-1945 theo xu hướng phát triển của đời sống hiện đại”. Trong cuốn Tuyển tập kịch Vũ Đình Long (NXB Hội nhà văn 2009) phần mở đầu Ngô Tự Lập có bài Vũ Đình Long – nhà viết kịch tiên phong đã có những đánh giá hết sức quan trọng về vai trò và vị trí của Vũ Đình Long trong đời sống văn hóa nghệ thuật, báo chí ở nước ta thế kỉ XX. Ngô Tự Lập Viết: “Vũ Đình Long, không còn nghi ngờ gì nữa, là một trong những nhà hoạt động văn hóa độc đáo và có nhiều ảnh hưởng nhất của nước ta trong thế kỉ XX.
Tên tuổi Vũ Đình Long thường gắn liền với nhà xuất bản Tân Dân và các tờ báo Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Ích Hữu, những địa chỉ thân thiết với rất nhiều nhà văn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, như Nguyễn Đỗ Mục, Ngô Văn Triện, Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Thanh Châu, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Kinh Kha, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Lan Khai, Vũ Ngọc Phan, Tô Hoài, Nam Cao… Trong khoảng thời gian từ 1925 đến 1945, Vũ Đình Long là người đỡ đầu tài năng và tâm huyết cho rất nhiều tác phẩm văn chương mà ngày nay đã trở thành kinh điển và niềm tự hào cho nền văn học dân tộc.”(tr.9)
Nhóm Tân Dân gắn liền với các báo và tạp chí Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Phổ Thông Bán Nguyệt San, Ích Hữu, Truyền bá, Tao Đàn và hai tủ sách: Tủ sách những tác phẩm hay và Tủ sách Tao Đàn, đương nhiên để làm nên sự thành công của hàng loạt những sản phẩm văn hóa ấy là công của đông đảo đội ngũ các nhà văn, nhà báo đương thời trong đầu tư sản phẩm bài vở, nâng cao chất lượng các ấn phẩm.... thì không thể không nhắc tới người ở đằng sau đảm bảo cho tất cả sự thành công đó là Vũ Đình Long. Với tư cách là ông chủ nhà xuất bản, Vũ Đình Long buộc phải là người có tài trong quản lí và điều hành, sự nhanh nhạy trong nắm bắt xu hướng phát triển của xã hội để có những ấn phẩm văn hóa văn chương phù hợp với nhu cầu thẩm mĩ của độc giả, phải là người có tâm mới tập hợp được một đội ngũ đông đảo đến như vậy các nhà văn có tài đương thời làm việc cho mình.
Có thể nói Vũ Đình Long là người có con mắt “biệt nhỡn liên tài” khi hầu hết các nhà văn có tiếng đương thời nếu không ở trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn thì đều được Vũ Đình Long thu nạp hoạt động cho nhà Tân Dân. Trong bài viết vừa kể trên của GS.Phong Lê cũng có một đánh giá như vậy, xin trích: “Có thể nói, ngoài “thất tinh”, hoặc “bát tú” của Tự lực văn đoàn, cùng một số tên tuổi chịu ảnh hưởng của họ khoảng trên chục cây bút, thì gần như số lớn các nhà văn tự do hồi 1930-1945 đều tự nguyện tập hợp hoặc tìm đến với ông chủ Tân Dân”.
Cũng trong quyển hồi kí Đời viết văn của tôi Nguyễn Công Hoan cũng hé lộ cho ta biết nhiều thông tin về sự nhanh nhạy và khôn khéo hay nói chính xác hơn là tài năng của Vũ Đình Long trong điều hành và duy trì hoạt động rất nhiều cơ quan ngôn luận lớn của Tân Dân. Xin trích lại một đoạn trong sách đó như sau: “Nhà Tân Dân của Vũ Đình Long vẫn chỉ xuất bản những sách dùng cho nhà trường, nay đã mua máy in, nên mở rộng phạm vi hoạt động, xin ra tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy (1934). Vì trong chế độ của thực dân có lệ cấm không cho phép công chức và vợ con họ làm nghệ buôn bán, nhất là đã làm giáo học thì tuyệt đối không được buôn các thứ sách vở, giấy bút, cho nên Vũ Đình Long đã khôn ngoan đối phó lại lệ cấm ấy bằng cách mở cửa hàng bán sách thì dùng tên mẹ, mở nhà in và mở nhà báo thì đứng tên vợ. Sự thật thì mọi cung cách làm ăn ông ta là chủ. Ông Long tòng sự tại Nha học chính Bắc kỳ, làm cho Phòng thi cử, nên rất nhàn rỗi. Trong giờ làm việc, ông để tâm trí vào việc kinh doanh riêng, hơn là vào công việc của Nha. Điện thoại của Nha luôn luôn được ông sử dụng để gọi về nhà, điều khiển công việc. Bạn đồng nghiệp có người thấy chướng quá, mới tố cáo việc ông buôn bán với “sếp” nhưng ông đã trả lời rằng tôi ở cùng nhà với mẹ tôi và với vợ tôi, không lẽ tôi không giúp gia đình”(sđd – tr.177-178).
Khi được phép xuất bản tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy Vũ Đình Long đã có cả một chiến dịch mà ngôn ngữ ngày nay gọi là marketing rầm rộ. Đây là cảm giác của Nguyễn Công Hoan ghi lại trong hồi kí của mình: “Tôi lên Hà Nội, đến nhà Tân Dân. Trong khi đi phố, nhìn trên các tường, trong xe điện, cạnh các ghế khách ngồi ở hiệu cắt tóc, tôi đã thấy dán nhan nhản những quảng cáo báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy in rất mĩ thuật”(sđd – tr.178). Những quảng cáo ấy được in trên giấy khổ nhỏ bằng phong bì thư, in trên tấm giấy bìa láng dày, màu hồng rất đẹp. Nguyễn Công Hoan nhìn những tờ quảng cáo ấy phải thốt lên: “Phí nhỉ”. Thế nhưng lời giải thích của Vũ Đìng Long cho thấy ông thực sự là một người có đầu óc chiến lược kinh doanh: “Không phí. Nếu quảng cáo in trên giấy thường, thì đọc xong người ta vò vứt đi. Quảng cáo của tôi in đẹp, trên giấy quý, thì người đọc xong không nỡ vứt đi, mà giữ lại, có khi còn bày ở tủ kính như một thứ trang trí. Nó sẽ được nhiều người đọc chứ không phải một người”. Nghe Vũ Đình Long giải thích xong nhà văn Nguyễn Công Hoan chỉ còn biết “phục đầu óc” của người đồng nghiệp hơn tuổi.
Qua những trang hồi ký của Vũ Bằng – một thành viên chủ chốt trong nhóm Tân Dân – tập hồi ký Bốn mươi năm nói láo cũng hé lộ cho ta biết rất nhiều điều về Vũ Đình Long. Cũng như những cảm nhận và đánh giá của Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng đã có những nhìn nhận rất tích cực về Vũ Đình Long. Qua con mắt của Vũ Bằng, Vũ Đình Long hiện ra là một người rất có đầu óc kinh doanh, sẵn sàng mạo hiểm để thử thẩm mỹ của độc giả bằng những lối viết mới. Vũ Bằng kể lại: “Đến bây giờ, tôi vẫn còn cảm phục ông Vũ Đình Long, vì ông tỏ ra hiểu biết ngay từ buổi đầu hội kiến (...) tôi đi thẳng vào vấn đề với ông Long: từ trước đến nay, truyện ngắn của ta đòi người viết phải có một cốt truyện hoặc ly kỳ ít, hoặc ly kỳ nhiều, thí dụ các truyện ngắn nói về những mối tình éo le làm cho người đọc hồi hộp và than khóc.
Dù sao, báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy cũng là tờ báo hiện giờ chạy nhất nước, có một số độc giả vững chắc rồi. Ông thử nghĩ xem có nên đưa ra một loại truyện mới để cho lãnh vực tiểu thuyết của ta phồn thịnh hơn?” (Tuyển tập Vũ Bằng, Tập 1 – Triệu Xuân, NXB Văn học 2000) (tr.359). Những đề nghị đó của Vũ Bằng đã được Vũ Đình Long đồng ý thử nghiệm ngay chính trên tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy đang rất nổi tiếng lúc đó. Có thể nói, nếu không phải là người có tố chất mạo hiểm của một đầu óc kinh doanh và biết nhìn xa trông rộng chắc chắn Vũ Đình Long sẽ không đồng ý thử nghiệm một lối viết mới khi mà tờ báo của ông đã đứng vững trên văn đàn.
Qua những trang hồi ký của Vũ Bằng ta cũng nhận biết được những nét tính cách cũng như phẩm chất đáng quý của Vũ Đình Long. Vũ Bằng viết: “Nói rất thành thực, trong thời kì này, tôi học hỏi được ông Long rất nhiều điều hữu ích về lề lối làm việc: ông chịu khó đọc báo, sách của Pháp để tìm sáng kiến; có sáng kiến nào hay, ông nghiên cứu, khơi sâu thật kỹ lưỡng và ghi ra giấy”. Sau bao nhiêu năm cộng tác với Vũ Đình Long, Vũ Bằng kết luận: “Nhưng tựu trung nguyên tắc làm báo của ông có thể gói ghém lại như sau: không làm chính trị, phục vụ văn hóa, giúp ích đại chúng bằng cách mua vui cho họ, vừa mở mang trí tuệ, in rõ ràng và đẹp để đọc không mệt mắt, và bán bằng cái giá hạ nhất để cho các bạn đồng nghiệp không theo kịp, mà cũng là để cho bất cứ độc giả nào cũng có thể bỏ tiền ra mua. Mà loại độc giả ông nhằm nhiều nhứt là trẻ em và phụ nữ” (Tuyển tập Vũ Bằng, Tập 1 – sđd, tr.362).
Vũ Đình Long là người hết sức cẩn thận, có trách nhiệm với những sản phẩm văn hóa do mình làm ra chứ không phải chỉ là làm sao kinh doanh được nhiều sách, thu nhiều tiền. Các công việc rất kì công như đọc bài vở của độc giả, các cộng tác viên rồi cách xếp đặt trang báo, trình bày hình vẽ, tuyển chọn tiểu thuyết nước ngoài để dịch đăng... đều do Vũ Đình Long trực tiếp làm. Vũ Bằng kể: “Qua những câu chuyện, lần lần tôi được biết ông Vũ Đình Long tự tay làm hết các công việc của báo: từ việc đọc các bài của độc giả - trừ mấy bạn cộng tác thường xuyên như Nguyễn Trẩm Giự, Lan Khai, Vũ Lang, Ngọc Giao, Thanh Châu, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan – đến cách xếp đặt trang báo, trình bày tranh vẽ, chọn lựa tiểu thuyết Tàu, Tây để dịch” (Sđd, tr.361).
Vũ Đình Long không ngừng suy nghĩ để cải tiến chất lượng sách báo, ra hình thức nào bổ sung để thu hút độc giả, ra thêm loại ấn phẩm nào để nhắm đến đối tượng nào. Tiểu Thuyết Thứ Bảy sau một thời gian xuất hiện và trụ vững, Vũ Đình Long quyết định mở rộng phạm vi của tờ này, ra khổ lớn hơn và nhiều trang hơn: “(...) trước khi làm việc gì, ông Long tính toán rất kỹ lưỡng, cân nhắc lợi hại từng ly, nên Tiểu Thuyết Thứ Bảy khổ lớn lại chạy hơn khổ nhỏ, và cũng vì thế, số anh em viết văn qui tụ về nhà xuất bản Tân Dân mỗi ngày mỗi đông hơn” (Vũ Bằng, sđd, tr.362-363). Tiểu Thuyết Thứ Bảy không chỉ tăng về khổ và số trang mà một loạt chuyên mục mới cũng xuất hiện như “Biết Ai Tâm Sự”, “Để Cười Khi Chung Bóng”, “Ý Nghĩ Của Người Dạo Phố”... Có một lực lượng đủ lớn để phát triển Tiểu Thuyết Thứ Bảy, đến năm 1935 Vũ Đình Long quyết định một bước phát triển mới cho nhà Tân Dân bằng cách cho ra thêm tờ Phổ Thông Bán Nguyệt San mà số đầu tiên ra ngày 1/12/1936. Có hai cơ quan ngôn luận mạnh là Tiểu Thuyết Thứ Bảy nhưng dường như nhà Tân Dân vẫn không đủ đáp ứng độc giả và quan trọng hơn nữa, về phía nội lực, các nhà văn viết cho Tân Dân cũng cảm thấy cần phải mở rộng hơn nữa quy mô phát triển. “Thanh Châu và vài người bạn khác bàn với tôi nên mở rộng phạm vi hoạt động ra, chớ bao nhiêu anh em mà chỉ quy tụ ở vọn vẹn hai tờ Phổ Thông Bán Nguyệt San và Tiểu Thuyết Thứ Bảy e rằng chật hẹp. Tôi nảy ra ý muốn bàn với ông Long ra thêm một tờ báo nữa” (Sđd, tr.365) để “anh em có đủ chỗ thi thố tài năng và phô bày ý kiến” (Sđd, tr.374).
Nói đến đây nhiều người ngỡ rằng việc phát triển mở rộng của nhà Tân Dân là do Vũ Bằng cố vấn cho Vũ Đình Long nhưng sự thật không phải là như vậy. Vũ Bằng đã kể lại rất thành thật trong hồi ký của mình như sau: “Tôi thấy độc giả Tiểu Thuyết Thứ Bảy đã vững rồi, tôi thảo một thư rất dài gửi cho ông Long (...) đề nghị nên ra một tờ báo trẻ em. Lúc ấy, tờ “Cậu Ấm” của Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong vừa đóng cửa, cả nước không có một tờ báo loại đó, nếu ra được thì không những có ích mà lại còn hy vọng chạy như Tiểu Thuyết Thứ Bảy, hay hơn thế.
Ba hôm sau, ông Vũ Đình Long không trả lời thư tôi. Nhưng đến ngày thứ bảy, ông trịnh trọng bấm chuông nhà tôi vào thăm, mang theo một tập giấy: ông ngồi sít lại tôi, thì thầm như buôn giấy bạc giả. Thì ra ông đã có ý kiến ấy từ lâu và bí mật cho tôi biết ông đã được phép xuất bản một tờ báo loại đó lấy tên là “Truyền Bá” từ hai tháng trước.
Ông đã vẽ ma két rồi. Kế hoạch bán báo như thế này. Trình bày như thế này. Chữ in như thế này. Đoạn phụ lục giúp bạn vui đọc như thế này. Ông Bằng xem đi rồi cho tôi biết ý kiến, đồng thời cũng nghĩ luôn cả các mục vui ở trang bìa 2,3 và 4, hay là ta để thêm 4 trang trong nữa để bạn đọc xem cho đã?...” (Sđd, tr.375).
Những thông tin mà Vũ Bằng thuật lại ở trên đủ chứng tỏ rằng Vũ Đình Long không những là người nhìn xa trông rộng mà còn là một người kín đáo và chắc chắn. Những cái gì phải được ông nghiên cứu thật kĩ lưỡng, lên kế hoạch đến gần như là chi tiết và có đủ điều kiện chín muồi ông mới công bố. Hơn thế nữa ở Vũ Đình Long còn có một năng lực làm việc tập trung rất cao độ. Khi ông làm việc gì là ông quyết làm cho bằng được. Trước một tháng để chuẩn bị cho sự ra đời của Truyền Bá trong đầu ông Long lúc nào cũng chỉ có hình ảnh của tờ báo ấy. Vũ Bằng kể: “Suốt một tháng, tôi sang nhà báo chỉ thấy ông Long nghĩ về tờ “Truyền Bá”, và bất cứ chuyện gì cũng quy về “Truyền Bá”. Ông Long và tôi chia nhau ra viết quảng cáo và lời phi lộ” (Sđd, tr.375)
Một chi tiết khác trong cuốn hồi ký vừa kể trên của Vũ Bằng hé lộ cho ta thấy đầu óc thương mại của Vũ Đình Long rất năng động. Nhà Tân Dân có đại lý không chỉ ở Việt Nam mà khắp cõi Đông Dương. Ông Long đã tính toán để làm sao cho các ấn phẩm đến ngày ra sẽ đồng loạt xuất hiện khắp cõi Đông Dương cùng một ngày, sẽ không có nơi nào bị chậm trễ do sự vận chuyển bưu điện. Trong tình hình giao thông vận tải lúc ấy ông Long đã có một phương án rất hay là in báo trước rồi gửi đi khắp các đại lý ở Đông Dương cho kịp ngày phát hành. Vũ Bằng kể lại chuyện đó như sau: “Báo in trước ba số để sẵn đấy, bắt đầu bán số 1 thì in số 4 (hầu hết các báo của nhà Tân Dân in như thế, vì vậy báo thứ bảy ra thì từ Nam Quan đến Cà Mau, nhà đại lý nào cũng có từ chiều thứ 6)” (Sđd, tr.375)
Nhà Tân Dân sau khi có Tiểu Thuyết Thứ Bảy,  Phổ Thông Bán Nguyệt San thì Vũ Đình Long tìm cách để tăng số lượng sách bán bằng cách cải cách hình thức và nội dung của Phổ Thông Bán Nguyệt San. Đó chính là Phổ Thông Bán Nguyệt San bìa màu ra số đầu ngày 16/1/1938. Vũ Bằng thuật lại chuyện này như sau: “Trong khi chờ phép tờ “Ích Hữu” (chi tiết này Vũ Bằng nhớ nhầm vì báo Ích Hữu số 1 ra ngày 25/2/1936 và Phổ Thông Bán Nguyệt San số đầu tiên cũng ra ngày 1/12/1936 – V.Đ.H)  ông Long đưa ra thêm một sáng kiến: thay vì tờ “Phổ Thông” ra mỗi tháng một số đăng trọn một truyện dài (loại bìa xanh), ông cho ra thêm một loại nữa (loại bìa vàng). Thực ra, truyện của hai loại này không cách biệt nhau nhiều lắm, nhưng ra thêm loại vàng, chúng tôi có ý kết hợp thêm nhiều nhà văn, nhà báo, mà cũng là để cho báo chạy nhiều hơn nữa, vì loại này bán rẻ hơn. Về phương diện thương mại, sáng kiến ấy đem lại một kết quả tốt đẹp: “Phổ Thông Bán Nguyệt San” cả hai loại xanh, loại vàng đều chạy hơn”. Vũ Bằng thuật chi tiết hơn tài thương mại của Vũ Đình Long ở đoạn tiếp theo: “Hai loại này, đánh số 1, 2, 3... riêng biệt, có một cái lợi khác là ai đã mua báo cũng đều muốn cho đủ bộ để bày tủ sách gia đình, không thiếu một số nào. Vì thế, ai đọc quảng cáo của nhà Tân Dân đều thấy ông Long rất chú ý đề rõ giá báo và nhấn mạnh độc giả nên mua cho đủ số thứ tự, đừng để thiếu, e mất giá trị của tủ sách gia đình” (Sđd, tr.376-377). (Thực ra đoạn này nhà văn Vũ Bằng có sự nhầm lẫn vì Tân Dân không có loại Phổ Thông Bán Nguyệt San bìa xanh hay bìa vàng mà chỉ có hai loại Bìa trắng và Bìa màu. Chúng tôi sẽ nói chi tiết trong mục các ấn phẩm của nhà Tân Dân trong phần tiếp theo của luận văn – V.Đ.H). Việc khuyên mọi người nên mua đủ bộ các ấn phẩm của Tân Dân cũng được Vũ Đình Long nhắc đến một cách rất khéo léo ở tạp chí Tao Đàn. Ở Tao Đàn số 1 ngay trang 1 có một mục như sau: “Điều chú ý – mỗi số Tao Đàn 100 trang cả bìa. Ba tháng 6 số 600 trang có thể đóng làm một quyển báo đẹp. Nên đóng cả bìa cho đủ mục lục, tiện sự tra cứu. Cần giữ đủ từ số 1, để mất, về sau khó lòng mua được”.
Một trong những tư liệu rất quý để chúng tôi nghiên cứu về Vũ Đình Long là những hồi ký, ký ức, những câu chuyện kể lại của các nhà văn thuộc nhóm Tân Dân như vừa dẫn ở trên (Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng...), trong số đó không thể bỏ qua nhà văn Ngọc Giao. Một cây bút trụ cột của nhà Tân Dân, cụ thể hơn là tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Trong bài viết Chủ nhà in, nhà xuất bản Tân Dân – Ông Vũ Đình Long đăng trên Tạp chí Văn học, số 1 – 1991 (Dẫn lại theo sách Hà Nội cũ nằm đây – Ngọc Giao, NXB Phụ Nữ 2010) Ngọc Giao đã dựng lại cho chúng ta một bức tranh chân dung chân thực cả về ngoại hình lẫn tính cách của Vũ Đình Long và vai trò to lớn của ông trong xây dựng nhóm Tân Dân phát triển mạnh mẽ đến như thế trong những năm 30, 40 của thế kỉ trước. Ngọc Giao kể về ngoại hình và tính tình của Vũ Đình Long như sau: “Vũ Đình Long, tính tình điềm đạm, nhiều cơ mưu, giỏi cả Hán văn lẫn Pháp văn. Ông to béo, khá cao, da đen sạm, đi lạch bạch”. Như trên chúng tôi có đề cập, Vũ Đình Long là người rất biết trân trọng các tài năng văn chương đương thời và do đó đã tập hợp được một đội ngũ đông đảo các văn sĩ trí thức cả Hán học lẫn Tây học về làm việc cho mình. Ngọc Giao viết: “Trong giao dịch với nhà văn, ông luôn tỏ ra cực kì lịch sự, trọng hiền đãi sĩ. Nghe nói đến một văn gia nào có tài năng, ông Long vội viết thư mời cộng tác. Về vấn đề tiền trả nhuận bút, ông rất sòng phẳng, rất thủ tín, nhờ vậy, số lớn nhà văn ở suốt Trung, Nam, Bắc vui vẻ viết cho ông”. (Sđd, tr.249-250). Ở một đoạn khác Ngọc Giao cũng đánh giá Vũ Đình Long là người có đầu óc hơn người ở việc tính toán một cách rất khoa học trong quản lý công việc, tổ chức sản xuất bài vở và các ấn phẩm báo chí. Xin trích: “Xưởng in tổ chức rất quy củ. Năm 1937, phá nhà in cũ, xây nhà in lớn, máy in, chữ in đặt mua tại Pháp, loại hiện đại”. Ở một đoạn khác Ngọc Giao kể: “Ông Vũ Đình Long có đầu óc làm ăn lớn về ấn loát tối tân, cũng như tổ chức nhà xuất bản có khoc học. Xu hướng của ông là cố gắng noi theo tổ chức văn học của Editions Flammarion và Librairie Hachette – hai nhà xuất bản vĩ đại của Pháp”. Vào thời điểm đông nhất nhà in Tân Dân có tới 500 công nhân làm việc không kể đội ngũ các nhà văn chủ chốt và cộng tác lên đến hàng chục người.
Nhờ sự đối xử rất mực thẳng thắn, rõ ràng và “trọng hiền đãi sĩ” Vũ Đình Long đã tập hợp được một đội ngũ nhà văn đương thời là những cây bút nổi tiếng ở cả hai nền học vấn tân học và cựu học. Ngọc Giao kể lại như sau: “(...) cách đối xử với đội ngũ nhà văn khá mạnh của ông Vũ Đình Long trước sau luôn tỏ ra trang trọng, chân thành. Trong đội ngũ ấy, anh em văn hữu của nhà xuất bản Tân Dân suốt Trung, Nam, Bắc tập hợp cung cấp văn phẩm cho ông Long đều đặn, dịch hầu hết các tác phẩm phương Tây từ cổ đại, trung đại, cận đại, hiện đại. Đội ngũ ấy có hai mảng thành phần: bút lông và bút sắt. Bút lông: cụ bảng Mai Đăng Đệ, cụ cử Phan Kế Bính, Sở Bảo Doãn Kế Thiện, Nhượng Tống, Nguyễn Can Mộng, Phan Khôi, Tản Đà, Trúc Khê Ngô Văn Triện, Nguyễn Đỗ Mục... Các ông không khoa bảng: Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc, thi sĩ Lê Bái (bút danh J.Leiba Thanh Tùng Tử - Hán học và Pháp học đều uyên thâm)...
Bút sắt: Hiên Chi Nguyễn Văn Chất (viết báo Pháp nhiều hơn viết báo Việt), Lan Khai (viết tiểu thuyết lịch sử nổi danh), Vũ Trọng Phụng, Tchya, Phùng Tất Đắc (Hán học và Pháp học cũng vào bậc uyên bác), Lê Văn Trương (“tiểu thuyết người hùng”, viết khỏe nhất, nhiều độc giả nhất miền Nam cũng như miền Bắc), Lưu Trọng Lư, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Vũ Bằng, Ngọc Giao...”(Sđd, tr.250-251).
Với sự tính toán cẩn trọng và hơn người ở tầm nhìn, sự ứng xử có văn hóa và rõ ràng Vũ Đình Long đã xây dựng nhà xuất bản Tân Dân thành một đế chế văn hóa nghệ thuật hùng mạnh vào bậc nhất ở Việt Nam. Cho đến ngay cả giờ phút này chưa có một tổ chức văn hóa hay xuất bản nào ở Việt Nam có thể so sánh với quy mô của nhà Tân Dân ở vào thế kỉ trước. Về sự lớn mạnh khổng lồ của nhóm Tân Dân ta có thể tưởng tượng được qua một đoạn mà Ngọc Giao kể lại như sau: “Trước một địch thủ “sức mạnh muôn người” như Nhà xuất bản Tân Dân 93 Hàng Bông, các nhà xuất bản khác trong Hà Nội hoảng sợ, song không có cách gì hạ được họ Vũ, mà chỉ còn cách ngồi nhìn tiền bạc trôi vào quỹ sắt nhà họ Vũ như thác đổ. Thật vậy, phải nói là tiền độc giả Trung, Nam, Bắc đổ vào nhà họ Vũ Đình Long như nước vở đê” (Hà Nội cũ nằm đây, tr.254). Nhà Tân Dân do Vũ Đình Long đứng đầu đã  có một hệ thống phát hành  khắp Đông Dương gồm hàng ngàn đại lý. Trong nước thì từ Lạng Sơn đến Cà Mau, trong xứ Đông Dương thì tới tận Nam Vang, Viên Chăn... Các hệ thống đại lý này hết sức sòng phẳng và gắn bó với nhà Tân Dân do được một tỉ lệ hoa hồng cao từ 8 đến 10%. Quả thực, vào thời điểm đó, có thể nói chỉ duy nhất nhóm Tự Lực Văn Đoàn với hai tờ tuần báo nối tiếp nhau là Phong Hóa và Ngày Nay là một phản lực lớn nhất đối với Tân Dân. Song cách mà Tự Lực Văn Đoàn cạnh tranh với Tân Dân xem ra khá hài hước và ngộ nghĩnh, nhiều lúc nó lại làm lợi cho nhà Tân Dân. Nhưng quan trọng hơn cả là thái độ của Vũ Đình Long đối với hành động đó của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Vũ Đình Long không “ăn miếng trả miếng” mà vui vẻ quan sát tình hình rồi cười lớn mà rằng chính Tự Lực Văn Đoàn đang quảng cáo không công cho mình. Ngọc Giao kể lại chuyện đó một cách hài hước như sau: “Hàng tuần tớ Phong Hóa rồi tiếp đến Ngày nay, cơ quan ngôn luận của nhóm Nhất Linh, thẳng tay lôi Vũ Đình Long lên mặt báo, sử dụng tranh trào phúng, thơ văn hài hước, gọi Nhà xuất bản Tân Dân 93 Hàng Bông là động Tân Dân, Vũ Đình Long là Tiên ông Vũ Đình Long phun kiếm ra tiền (tranh bìa, tranh ruột báo hàng tuần, họa sĩ Tô Tử [tức Tô Ngọc Vân – V.Đ.H] vẽ Vũ Tiên ông hếch mũi lên trời, kiếm ở hai lỗ mũi phun ra tơi tới, tiền theo kiếm ào ào chảy vào tay áo thụng của Vũ Tiên ông. Ngoài cửa Nhà xuất bản, tức là ngoài cửa động Tân Dân, cả gia đình họ Vũ, từ Tiên mẫu, Tiên bà, Tiên cô... đến các Tiểu Tiên đồng, giúp Tiên ông, đem rổ rá ra hứng tiền độc giả mê say sách thần tiên kiếm hiệp).
Mỗi thứ Bảy, báo Phong Hóa, Ngày Nay của nhóm Nhất Linh rao ầm ĩ ngoài phố, chạy vào mọi gia đình thị dân Hà Nội, (cũng với tốc độ ấy, Tiểu Thuyết Thứ Bảy chạy có phần nhích hơn Phong Hóa, Ngày Nay). Vũ Tiên ông cùng Tiên mẫu, Tiên bà, Tiên cô, Tiên đồng, không những không giận nhóm Nhất Linh, mà còn tỏ ra thích thú, nói cười ran động. Vũ Tiên ông khoái trí, coi đó là địch thủ Tự lực văn đoàn đang làm quảng cáo không công cho Vũ Tiên ông” (Hà Nội cũ năm đây, Sđd, tr.254-255).
Một vấn đề lớn khác đặt ra khi nghiên cứu về Vũ Đình Long với tư cách là ông chủ xuất bản, đó là Vũ Đình Long có thuộc dạng những chủ tư bàn bóc lột anh em văn nghệ sĩ hay không? Đây đó có nhiều tư liệu tản mát, bài viết đưa ra một vài sự kiện để chứng tỏ rằng Vũ Đình Long là một tay buôn chữ chứ không phải là một người hoạt động văn chương nghệ thuật. Tiêu biểu nhất trong số đó là một bài thơ của Trần Huyền Trân viết vào năm 1940 có nhan đề “Đời một nhà văn” mà trong đó có những câu như sau:
Đã có lần khói bếp không lên
 Vợ ngược con xuôi túi hết tiền
 Chồng gục cả lòng trên giấy mực
 Đen ngòm mặt đất tối như đêm
 Trang lại trang máu lẫn mồ hôi
 Từng dòng tay bút đã buông xuôi
 Giữa khi ông chủ buôn văn ấy
 Tiệc rượu lầu cao ngả ngốn cười"
 (Đời một nhà văn).
Trần Huyền Trân chủ yếu viết đăng trên các ấn phẩm của nhà Tân Dân như Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Truyền Bá, Phổ Thông Bán Nguyệt San nên khi đọc những dòng thơ ai oán đó, ai cũng dễ hình dung rằng cái “ông chủ buôn văn” đang “tiệc rượu lầu cao ngả ngốn cười” kia chính là Vũ Đình Long. Nam Trân trong bài viết “Vũ Đình Long – chủ nhân Tân Dân động” đăng trên website An ninh thế giới cuối tuần ngày 09/03/2009 đã dựa vào những thông tin của Vũ Bằng – một cây bút trụ cột gắn bó với nhà Tân Dân trên dưới 10 năm trời – kể lại trong bài viết "Phong Di Vũ Đình Long, ông tiên trong động Tân Dân", in trong "Văn học, giai phẩm" tại Sài Gòn, số ra ngày 15/5/1973 đã phá được nghi án đó như sau. Chúng tôi xin thuật lại: “Những ai quan tâm tới văn học sử Việt Nam giai đoạn trước năm 1945 hẳn đều biết rằng, như nhiều người cùng thời, viết văn là sinh kế duy nhất của Trần Huyền Trân, và tác phẩm của ông chủ yếu được ấn hành ở Nhà xuất bản Tân Dân hoặc được đăng tải trên các tờ báo do Vũ Đình Long làm chủ.
Như vậy thì "ông chủ buôn văn" mà Trần Huyền Trân nhắc trong bài liệu còn có thể là ai khác? Câu thơ, tự nó đã mang dáng dấp một sự lên án những kẻ trục lợi trên lao động tinh thần đầy cực nhọc của lớp người sống bằng nghề viết văn viết báo! Tuy vậy, con người thực của Vũ Đình Long không hẳn đã là như thế. Trần Huyền Trân nói tới "tiệc rượu lầu cao ngả ngốn cười", nhưng trong thực tế thì, như Vũ Bằng cho biết, Vũ Đình Long bị đau bao tử và đau tim hay đau gan gì đó, ông lại là người rất quan tâm đến sức khỏe của bản thân mình, nên chẳng mấy khi ông sa vào những cuộc hưởng thụ đầy chất phú hộ như vậy.
Vũ Bằng khẳng định: "Ông Long không uống rượu, không hút thuốc, không say mê thứ gì cả, chỉ say mê viết kịch và làm báo, say mê đọc sách báo Tây Tầu để tìm kiếm sáng kiến mới, mới luôn luôn, trước là để khuếch trương nghề nghiệp của mình mà sau là để mong có một ngày kia theo kịp đà tiến của báo chí Âu Mỹ và Nhật Bổn". Không nên quên rằng Vũ Bằng là người trông nom bài vở cho các tờ báo của Vũ Đình Long suốt mười một năm trời, ông hiểu Vũ Đình Long hơn nhiều người khác, và ông đã tâm sự rất thành thật trong bài viết của mình: "Ông Long bây giờ đã ra người thiên cổ, mà tôi cũng không còn trẻ trung để tính chuyện gì xa xôi với các người kế nghiệp của ông, nên tôi thấy không có cớ gì để nói tốt cho ông ấy cả". Chúng tôi cũng xin đưa ra thêm một bằng chứng nữa để củng cố thêm cho những dẫn chứng mà Hoài Trân vừa nêu. Cũng trong hồi kí “Bốn mươi năm nói láo” Vũ Bằng đã kể lại một đoạn như sau về Vũ Đình Long: “Hầu hết anh em thỉnh thoảng lại về trụ sở Tiểu Thuyết Thứ Bảy để hội với nhau, mỗi khi có việc quan trọng như ra số Tết, hay ra số đặc biệt; nhưng vì bịnh tim nên ông Long ít khi ra thù tiếp được. Đại diện có Nguyễn Khánh Đàm (em Nguyễn Tuân), Trầm Kim Dần, phụ trách trị sự những tờ báo của nhà Tân Dân và coi về nhà in, cùng tôi đưa các bạn ấy đi ăn, đi hát hay đi hút. Vì ít trực tiếp giao thiệp với ông Long, nhiều anh em không hiểu ông và tưởng ông là một lái sách. Thực ra, ông là một người cần mẫn, có tài, có học và có nhiều kinh nghiệm về nghề làm báo. Tôi học được ông rất nhiều trong tám, chín năm hợp tác” (Tuyển tập Vũ Bằng, tập 1, sđd, tr.380).
Sau biết bao năm tích góp từ khi còn ở quy mô hiệu sách nhỏ, với số vốn ban đầu là 800 đồng bằng tài năng của mình Vũ Đình Long đã đưa Tân Dân thành một tổ hợp xuất bản lớn thuộc loại hạng nhất của Hà Nội lúc bấy giờ với lực lượng lao động lên đến quá bán nghìn người và số vốn khổng lồ. Có thể nói không quá rằng Vũ Đình Long đã gây dựng Tân Dân không chỉ là một nhóm văn học hoạt động sôi động vào bậc nhất lịch sử văn học Việt Nam trong suốt một thập niên (từ 1934 đến 1945) mà còn là có người có công rất lớn trong công cuộc tạo dựng một môi trường hoạt động văn chương chuyên nghiệp, hình thành nên một tầng lớp văn nghệ sĩ chuyên nghiệp ở Việt Nam. Qua những ấn phẩm của mình nhà Tân Dân mà cụ thể hơn là Vũ Đình Long đã nâng đỡ, nuôi dưỡng và phát triển biết bao nhà văn mà sau này đều ghi danh vào lịch sử văn học hiện đại Việt Nam là những nhà văn lớn: Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Lan Khai, Vũ Bằng... Chúng tôi xin dẫn ra đây đánh giá của Phạm Thế Ngũ về vai trò của nhà Tân Dân và ông chủ của nó: “(...) người viết văn học sử xét về những hoạt động của nhà Tân Dân không thể không thừa nhận một sự thật khác, ấy là công đóng góp của nhà ấy cho văn học. Những cơ quan của nhà Tân Dân cũng đã là nơi xuất phát và gầy nuôi lắm cây bút ít nhiều có giá trị. Nhất là sự phát đạt của công việc chứng tỏ nhà xuất bản đã biết đem lại cho công chúng những thức ăn mà họ mong muốn”. Có thể nói, trong một thập niên cuối cùng của nửa bán thế kỉ trước của thế kỉ XX, trong cái “trường văn học” – nói theo ngôn ngữ của nhà xã hội học pháp Pierre Bourdieu (dẫn theo Ba thập niên đầu thế kỉ XX và sự hình thành trường văn học ở Việt Nam – Phạm Xuân Thạch, in trong Nghiên cứu văn học Việt Nam – Những khả năng và thách thức, NXB Thế giới 2009) – thì nhóm Tân Dân dưới sự điều hành của Vũ Đình Long thực sự đã tạo ra một vị trí khổng lồ mà ít có nhóm văn học nào đương thời có thể sánh được.
Tuy nhiên, như là một định mệnh, cùng với lịch sử dân tộc bước vào một thời kì đau thương nhất, “một cổ hai tròng”, khi Nhật vào Đông Dương nhà Tân Dân cũng vì thế mà suy yếu dần. Vũ Bằng kể: “Truyền Bá đóng cửa lúc Nhựt Bổn đánh Pháp cùng với Phổ Thông Bán Nguyệt San. Nhà in Tân Dân dọn về Mục Xá (Hà Đông) tức là quê ông Vũ Đình Long. Cọc cạch chỉ còn lại Tiểu Thuyết Thứ Bảy ra khổ 45x30, nghiêng về chánh trị, rồi lại khổ 7,5x11 chuyên về nghiên cứu văn học, nhưng trong suốt thời gian Nhật thuộc, Tiểu Thuyết Thứ Bảy không còn cách nào sống lại được những buổi huy hoàng khi trước nữa”(Tuyển tập Vũ Bằng, Sđd, tr.8 ). Lí do có thể nhiều: Thời cuộc biến đổi, nhất là chế độ kiểm duyệt chặt chẽ của Nhật đã khiến hàng trăm, hàng ngàn nhà văn nhà báo bị bắt. Khi ấy, đời sống văn chương lùi lại thứ yếu, nhường chỗ cho đời sống cách mạng sắp lên đến đỉnh điểm. Và quan trọng hơn, sức khỏe của Vũ Đình Long do bệnh tim nên cũng yếu hơn nhiều khiến ông không đủ sức để vực dậy thời hoàng kim của Tân Dân. Sau cách mạng tháng 8 Vũ Đình Long tiếp tục viết kịch, duy trì nhà xuất bản Tân Dân và tục bản Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san. Vũ Bằng thuật: “Tôi để tâm nhiều hơn đến hai tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy và Phổ Thông Bán Nguyệt San mà tòa soạn lúc ấy chỉ còn có hai người là ông Vũ Đình Long và tôi. Sau hàng chục năm chỉ lo về việc điều khiển báo, ông Long lại bắt đầu viết lại và chính trong thời kì này, ông đã phóng tác nhiều vở kịch cổ điển của Pháp như Le Cid, Polyeucte, Britannicus... ”. Tiếng vang của tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy và Phổ Thông Bán Nguyệt San từ trước cách mạng tháng Tám lúc này nhiều phe phái muốn nhảy vào nắm lấy. “Lúc này, Nguyễn Hữu Trí làm thủ hiến, nhiều người cấp dưới dựa thế ông nay tố chuyện này, mai tố chuyện kia, muốn đóng cửa Tiểu Thuyết Thứ Bảy, “vì có nhiều bài thân kháng chiến”. Thừa dịp ấy, bọn hạ cấp đên tâng công với ông Vũ Đình Long, một mặt giở cái giọng làm tiền, mặt khác lại manh tâm xông vào nhà Tân Dân để nắm lấy hai tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy và Phổ Thông Bán Nguyệt San, nhưng mưu định của họ không thành, vì ông Vũ Đình Long là một người ngoài mặt thì hiền lành, không muốn sanh chuyện lôi thôi, nhưng bên trong thì cương quyết lạ lùng, không để cho ai khống chế. Ông bàn với tôi đóng cửa hai tờ báo để bọn mật thám đỡ lôi thôi. Thực ra, ông Long muốn đóng cửa hai tờ báo ấy đã lâu, vì lúc ấy không những người giúp việc đã thiếu, công việc nhà in lại không có gì, mà sự giao thông chuyên chở, cũng như vấn đề kỹ thuật, gặp khó khăn quá nhiều”(Tuyển tập Vũ Bằng, Sđd, tr.444).  Vũ Bằng ở lại bên Vũ Đình Long duy trì tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy và Phổ Thông Bán Nguyệt San cho đến khi ông xuống Hải Phòng theo tàu vào Nam năm 1954. Vũ Bằng nhớ lại: “(...) tôi chỉ còn hai tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy và Phổ Thông Bán Nguyệt San. Ông Vũ Đình Long và tôi làm việc tằng tằng để đợi cơ hội thuận lợi thì đóng cửa. Báo không lỗ vì ông Long là người tính toán rất hay; nhưng dù sao, thì cả hai tờ báo ấy cũng chỉ là những bóng ma của một thời vàng son đã qua rồi” (Sđd, tr.445).
*
*        *
Qua những thông tin mà chúng tôi đã nghiên cứu được về Vũ Đình Long qua khai thác các tư liệu từ hồi ký của các nhà văn, các nhân vật có liên quan đến cuộc đời Vũ Đình Long và nhà xuất bản Tân Dân như đã trình bày ở trên, chúng tôi có một số kết luận quan trọng sau:
1). Vũ Đình Long ghi dấu ấn không thể xóa nhòa trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại với tư cách là một kịch tác gia đầu tiên.
2). Vũ Đình Long là người đã gây dựng và phát triển một nhóm văn học với một lực lượng đông đảo và hùng hậu các nhà văn có tiếng đương thời quy tụ chung quanh nhà xuất bản Tân Dân với các ấn phẩm: Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Phổ Thông Bán Nguyệt San, Ích Hữu, Tao Đàn, Truyền Bá.... Vũ Đình Long là người đã định ra những bước đi chiến lược, đặc biệt quan trọng trong việc phát triển nhà xuất bản Tân Dân qua việc chuẩn bị kĩ lưỡng và quyết định những thời phù hợp để xuất bản các ấn phẩm văn chương phù hợp với thời thế. Vũ Đình Long đã ứng xử dựa trên Tâm và Tài đối với các nhà văn làm việc chung quanh mình nên đã quy tụ được một đội ngũ hùng hậu vào bậc nhất các nhà văn danh tiếng đương thời về với Tân Dân.
3). Vũ Đình Long đã có công rất lớn trong sự phát triển văn hóa của dân tộc nói chung và văn học nói riêng qua một khối lượng những tác phẩm khổng lồ của nhà Tân Dân trong hàng chục năm trước và sau cách mạng, nhất là giai đoạn trước cách mạng. Dưới sự quản lí và điều hành của ông, nhà Tân Dân đã có công rất lớn trong việc phát triển và quảng bá văn học trong quảng đại quần chúng, nhất là thể loại tiểu thuyết.
4). Vũ Đình Long từng có khát vọng xây dựng một “đế chế” văn hóa của riêng mình, làm nên tên tuổi riêng Tân Dân trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Ông muốn nhà Tân Dân trở thành một tổ chức văn học vĩ đại như hai nhà xuất bản vĩ đại của Pháp là Editions Flammarion và Labrairie Hachette. Với trên 10 năm tồn tại và hoạt động (tính đến thời điểm nổ ra cuộc Cách mạng tháng Tám) Vũ Đình Long thực sự đã làm nên một Tân Dân khổng lồ trong lịch sử văn hóa, văn học dân tộc.

© 2012 Blog NXB Tân Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét