Tìm kiếm Blog này

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
TIỀN BẠC CHI TIÊU RỒI CŨNG HẾT, CHỮ ĐỂ MAI SAU NGHĨA MÃI CÒN

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

TAO ĐÀN

SỐ TAO ĐÀN CHUYÊN VỀ VẤN ĐỀ BA LAN


Tao Đàn là Tạp chí văn học ra một tháng hai kì vào ngày 1 và 15. Số đầu tiên, số 1, năm thứ nhất, quyển thứ nhất, ra ngày Mars – Juin 1939. Mỗi số 100 trang. Tao Đàn ra được 8 số, từ số 9 mỗi tháng 1 kì. Có 2 số đặc biệt về Tản Đà 1/7/1939 và Vũ Trọng Phụng 12/1939. Số đầu tiên ra ngày 1/3/1939, số cuối cùng ra 8/1940. Hai nhà văn Lan Khai và Nguyễn Triệu Luật lần lượt được Vũ Đình Long giao làm chủ bút tạp chí Tao Đàn.
Mục đích ra đời và hoạt động của tạp chí Tao Đàn được nêu rất rõ trong bài “Cùng bạn đọc” đăng trên Tao Đàn số 1 ra ngày 1/3/1939. Qua bài viết chúng ta nhận thấy rất rõ ràng khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa tích cực của Tao Đàn mà nói rộng ra là của Tân Dân. Chúng tôi xin trích nguyên văn, những phần in đậm là do chúng tôi nhấn mạnh:
Cùng bạn đọc
Tình trạng thế giới hiện nay ví như một cuộc hội nghị lớn lao và ầm ĩ, trong đó người Việt Nam không được phép dự một nhời bàn. Thực là tủi nhục cho cái dân tộc đã có bốn ngàn năm lịch sử.
Sự tủi nhục đó nguyên do bởi đã thiếu một nền văn hoá. Thực vậy, dân tộc Việt Nam chưa từng có một nền văn hoá riêng. Về tư tưởng, về tôn giáo, về nghệ thuật cũng như về văn chương, dân mình, từ trước, vẫn chỉ sống với một mớ ý niệm tự Tàu đem sang. Tổ tiên mình đã say mê văn hoá Tàu đến nỗi cam tâm để cho tinh thần của chủng tộc bị tê liệt đi và bị sáp nhập vào trong cái văn hoá vĩ đại ấy. Kết cục: dân tộc mình thành ra một lũ người không có bản sắc, nhân cách và địa vị trong lịch sử thế giới, bị coi bất quá như một lũ học trò của Trung Hoa.
Bỗng, một cơn giông đã làm đổ gẫy cây văn hoá Tàu rất cổ kính. Giây tầm gửi Việt Nam cũng bị cuốn theo xuống vòng suy liệt, rồi sau, tình cờ, bám vào một cây to khác. Chúng ta hiện giờ đương tiếp xúc thân mật với một nền văn hoá vô cùng phong phú và tế nhị: văn hoá Pháp. Sự thay đổi vừa có lợi vừa có hại: nó cho ta nhận rõ cái lầm đau đớn về trước; nó mở cho ta nhiều viễn ảnh rực rõ mai sau; nhưng, đồng thời, nó lại đe doạ sẽ đem tới cho ta một sự thôn tính rất tai hại về tinh thần.
Vậy, đã trót sống cái đời tầm gửi, ta không nên lại cứ cam tâm sống mãi cái đời tầm gửi.
Nhận ra điều này, tức là nhận ra sự cần kíp phải tự gây cho mình một nền văn hoá, một nền văn hoá Việt Nam. Và, đó tức là một vấn đề sinh tử cho cả một dân tộc gồm hai mươi năm triệu linh hồn.
Nhưng, sự kiến thiết văn hoá, trước hết phải cần đến một nền quốc văn hoàn mỹ, có thể là một thứ văn giáo hoá. Ông cha mình khi xưa đã chỉ chuyên luyện văn Tàu, đã chỉ lấy sự giỏi viết văn Tàu làm cái dấu hiệu của trí thức. Ngày nay, phần nhiều người có học lại chỉ say mê văn Pháp. Quốc văn, trước sau, thành ra vẫn bị rẻ rúng, khinh thường. Kết quả: văn Việt Nam tiến rất chậm, mặc dàu nó vẫn được một số ít, rất ít, lấy sự tiến bộ của nó làm lẽ sống của mình. Sự quái gở này cần phải phá bỏ. Ta cần phải gây ngay một phong trào quốc văn mạnh mẽ và rộng lớn hơn từ trước đến nay.
Để gây phong trào đó, chúng tôi đã nghĩ đến một tờ tạp chí lý tưởng.
Tờ tạp chí này sẽ không phải là cơ quan riêng của văn phái nào; nó sẽ là nơi gặp gỡ của hết thảy mọi trào lưu tư tưởng, và mọi khuynh hướng nghệ thuật, miễn là các trào lưu và các khuynh hướng ấy cùng chung một mục đích: gây dựng một nền văn hoá Việt Nam.
Nó sẽ là cái vườn ươm hạt giống anh tài của chủng tộc, là nơi để bất cứ một cá tính nào cũng có thể phát triển đầy đủ về phương diện tư tưởng cũng như nghệ thuật; nó sẽ là nơi tập trung tất cả mọi sự gắng công để đi tới sự hợp nhất và tiến bộ đền hoàn toàn của ngôn ngữ Việt Nam và, sau hết, để đi tới sự nhận chân cái bản thể nhân loại qua tâm hồn Việt Nam.
Tờ tạp chí lý tưởng ấy, hôm nay chúng tôi cho nó ra đời, tức là tạp chí Tao Đàn này vậy. Tao Đàn gồm ba phần: Nghị luận và khảo cứu; Nghệ thuật; Tạp ký.
Trong phần Nghị luận và khảo cứu, chúng tôi hoan nghênh các bài của tất cả các học giả ba kỳ, các bài viết ra, hoặc để củ xoát lại các tư tưởng cũ của Á Đông, hoặc để giới thiệu và phê bình các học thuyết của Âu Tây, hoặc để bàn về mọi vấn đề quan trọng đến sự tạo lập nền văn hoá Việt Nam.
Trong phần Nghệ thuật, chúng tôi sẽ nhận đăng những tác phẩm về văn nghệ: thi ca, tiểu thuyết, phóng sự, kịch… của các văn sĩ bất cứ thuộc đảng phái nào.
Trong phần Tạp ký, chúng tôi sẽ ghi chép việc xảy ra trong văn học giới, hoặc lấy ý riêng mà gợi nên các vấn đề quan thiết đến văn hoá, ngôn ngữ Việt Nam để chờ sự giải quyết của các học giả, văn gia trong toàn quốc.
Thực ra, Tao Đàn không phải là một sáng kiến. Trước nó, Đông Dương tạo chí, Nam Phong, Hữu Thanh, Đông Thanh, v.v… đều đã làm cái việc khảo cứu và phát huy những tư tưởng của của Á Đông, giới thiệu và phê bình các học thuyết của Âu Tây, tìm cách dung hoà các tư tưởng học thuyết ấy để làm lợi cho tinh thần Việt Nam. Và trong khi làm những công việc ấy, các tạp chí kia đã cổ động, bồi đắp, phổ thông cho quốc văn, nâng quốc văn lên cái địa vị ngày nay.
Tao Đàn ngày nay, chỉ làm tiếp tục những công việc ấy, cho đến hoàn bị.
Nhưng, dầu thế, Tao Đàn vẫn có điểm này nó là cái đặc sắc của Tao Đàn. Nó phân biệt rõ rệt Tao Đàn với các tạo chí trước nó. Là về phương diện tư tưởng cũng như về phương diện nghệ thuật, Tao Đàn sẽ đặc biệt chú trọng vào những công trình sáng tác.
Hiểu biết, dung hoà, thu nhập chưa đủ. Ngày nay chúng ta đã đến cái thời kỳ cần phải sáng tác. Vì có sáng tác mới tỏ ra có hoạt động, có sống. Bất cứ ở đâu và thời đại nào, chỉ những công trình sáng tác mới là những sự phát biểu linh hoạt của tinh thần một dân tộc.
Tinh thần của dân tộc Việt Nam từ trước đến nay, đã bị tê liệt dưới sức đè nén của văn hoá Tàu. Để tránh những áp lực khác có thể tai hại hơn nữa, những tinh thần Việt Nam cần phải được phát huy, được nảy nở ra trong những công trình sáng tác mãnh liệt và rỡ ràng.
Đã trình bày rõ rệt mục đích và ý nguyện của mình. Tao Đàn chỉ còn chờ đợi cái cảm tình nồng nàn và sự cộng tác sốt sắng của hết thảy những người Việt Nam nào mà tương lai tinh thần của chủng tộc đã thành một mối băn khoăn tha thiết trên mọi băn khoăn khác.
TAO ĐÀN.

Tao Đàn gồm ba phần: Nghị luận và khảo cứu; Nghệ thuật; Tạp ký (nội dung từng phần như ở trên chúng tôi đã trích). Tổng thư kí và quản lí: Lan Khai, có giai đoạn do Nguyễn Triệu Luật phụ trách.Trong số 3 nhà văn lần lượt đảm nhiệm cương vị trong Toà soạn mà ngày nay gọi là Tổng biên tập, thì Lan Khai là người đầu tiên đứng vị trí ấy; ông bỏ nhiều công sức vun đắp xây dựng tạp chí đi đúng theo lộ trình và mục đích đã xác định. Ông làm Tổng thư ký Bộ biên tập kiêm Quản lý từ số 1 đến số 10. Còn 3 số cuối do Nguyễn Triệu Luật đảm nhiệm, 2 số đặc biệt do Lưu Trọng Lư tập hợp bài vở” (Lan Khai và tạp chí Tao Đàn 1939 – Nguyễn Ngọc Thiện – Tạp chí Sông Hương số 211 ra 9/2006).
Trong “Lời nói đầu” của 2 tập sách Tao Đàn 1939 – Sưu tập trọn bộ ( do hai tác giả Lữ Huy Nguyên và Nguyễn Ngọc Thiên sưu tầm, NXB Văn Học ấn hành năm 1998) đã khẳng định: “Sự ra đời một ấn phẩm dưới hình thức và khuôn khổ của một tạp chí văn học có lẽ là lần đầu tiên ở Việt Nam ta được khởi sự và đánh dấu bởi Tao Đàn thực hiện vào năm 1939” (tr.5). Ở bài viết “Tạp chí Tao Đàn trong nỗ lực gây dựng, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam” nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiện đã có những đánh giá rất cao đối với Tao Đàn của nhóm Tân Dân. Ông viết: “Tổng cộng Tao Đàn ra được 13 số định kỳ và 2 số đặc biệt với 1374 trang in. Thời gian hiện diện không lâu, chưa đầy 1 năm, số lượng trang in cũng không nhiều, Tao Đàn như một ngôi sao băng bay vụt qua bầu trời văn học nước ta, nhưng ánh áng chói ngời của nó đã tỏa rạng, để lại dấu ấn khó quên trong tâm thức giới sáng tác, người đọc đương thời cũng như rất lâu về sau.
Thành công của Tao Đàn là đáng kể, có thể nói là do thực hiện sát sao tôn chỉ đặt ra là phấn đấu xây dựng nền văn chương nghệ thuật dân tộc. Do đó, nó đã thu hút, gây sự cảm mến trong đội ngũ cộng tác viên. Họ đã tích cực đóng góp bài vở hay, có giá trị cho các chuyên mục định hình của tạp chí. Tên tuổi của những học giả, văn nghệ sĩ xuất hiện trên Tao Đàn là những tên tuổi sáng giá của nền văn chương, học thuật Việt Nam ở vào thời kỳ rực rỡ nhất trong nửa đầu thế kỉ XX” (Sđd, tr.13)
Theo danh sách các nhà sưu tập trọn bộ Tao Đàn thì còn thiếu một số Tao Đàn đặc biệt nằm trong loạt Tao Đàn lớp mới, hai tháng xuất bản 1 số đặc biệt. Đó chính là số về Ba Lan: Tao Đàn lớp mới số 2 ra tháng Février 1940: Vấn đề Ba Lan. Như vậy là bên cạnh 2 số Tao Đàn đặc biệt như đã công bố là Tao Đàn về Tản Đà (ra ngày 1/7/1939), Tao Đàn về Vũ Trọng Phụng ( ra 12/1939) còn có thêm Tao Đàn về Vấn đề Ba Lan (ra Février 1940). Đó là chưa kể số Tao Đàn về Nguyễn Trường Tộ định ra ngày 1/10/1939 nhưng bị Ty kiểm duyệt bãi bỏ.
Đội ngũ tác giả viết cho Tao Đàn gồm hàng loạt các tên tuổi như Phan Khôi, Trương Tửu, Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Lan Khai, Lưu Trọng Lư, Ngô Tất Tố...

© 2012 Blog NXB Tân Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét