Tìm kiếm Blog này

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
TIỀN BẠC CHI TIÊU RỒI CŨNG HẾT, CHỮ ĐỂ MAI SAU NGHĨA MÃI CÒN

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

NHÌN NHẬN THÊM VỀ VỊ TRÍ CỦA VŨ ĐÌNH LONG (1896 - 1960) TRONG LỊCH SỬ VĂN HỌC


TUYỂN TẬP KỊCH VŨ ĐÌNH LONG
Vũ Đình Long quê gốc ở thôn Mộc Xá, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây). Sinh ngày 19-12 năm 1896, mất ngày 14-8-1960 tại Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn (1957) và Hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Lúc thiếu thời, ông học chữ Nho. Từ 1907 đến 1915, ông theo học Trường Tiểu học Pháp-Việt và Trường Trung học Paul Bert. Năm 1916 ông theo học ngành bào chế trường Thuốc. Sau đó, ông chuyển sang dạy học tại Thị xã Hà Đông. Từ năm 1925, ông mở hiệu sách và Nhà xuất bản Tân Dân; làm chủ Nhà in Tân Dân và chủ trương các báo: Tiểu thuyết thứ Bảy (1934-1942); Phổ thông bán nguyệt san (1936-1941); Tuần báo Ích Hữu (1937-1938); Tạp chí Tao Đàn (1937-1938);... Năm 1943 ông trở lại sáng tác với vởĐàn bà mới. Thời kì kháng chiến chống Pháp ông tản cư cùng gia đình ở Hà Đông, Việt hóa và phóng tác nhiều vở kịch Pháp.
Các tác phẩm chính:
Chén thuốc độc (Kịch 3 hồi – 1921); Tây Sương tân kịch(2) (Kịch 5 hồi – 1922); Toà án lương tâm (Bi kịch 4 hồi – 1923); Đàn bà mới (Kịch 4 hồi – 1944), Thờ nước(1947), Việt hóa vở Servir của Henri La Vedan; Công tôn nữ Ngọc Dung (1947) – Việt hóa vở L’Averturiére của Emile Augier; Tổ quốc trên hết hay là Tình trong khói lửa(1949), Việt hóa vở Horace của Corneille; Gia tài (1958), Việt hóa vở Le Legrataire Universel của Regnard; Ép duyên hay là Trên đường cải tạo (1958).
*
Nhìn vào danh mục tác phẩm, ta thấy Vũ Đình Long sáng tác không nhiều. Nhưng với vở Chén thuốc độc (1921), ông lại có vị trí rất đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Ngay khi vở kịch được gửi đến Toà soạn Hữu Thanh tạp chí ngày 26-7-1921 và công diễn lần đầu tại Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 22-10-1921, nhiều văn sĩ, ký giả, nhiều nhà hoạt động xã hội và công chúng đương thời đã tôn vinh Vũ Đình Long là người mở đầu cho thể loại kịch trong lịch sử văn học nước ta. Trên Hữu Thanh tạp chí số 3 năm 1921, nhân khi nhận được vở kịch do tác giả gửi đến, chủ bút Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu đã viết những lời cảm khái sau đây: “Vở kịch của ông Vũ Đình Long in ra sau đây, so với văn giới các nước thời chưa dám biết ra làm sao, so với quốc văn sau này cũng chưa dám biết ra làm sao. Nhưng cứ trong áng văn chương hiện thời của ta hiện nay, thời vở kịch của ông tưởng cũng đáng là có giá trị. Ông Vũ Đình Long mang một cái văn tài như thế, sao trước không thấy ông ra với xã hội?... Nay, nhân một ông Vũ Đình Long mà suy nghĩ, trong xã hội chắc cũng còn nhiều người có mang cái văn tài ấy như ông Vũ Đình Long, hơn ông Vũ Đình Long mà ngọc náu đầu non, châu chìm đáy biển, khiến cho kẻ tháng ngày mong mến ngóng nước thu man mác ngọn khiêm hà. Nay, nhân một ông Vũ Đình Long mà tôi sinh ra vô hạn cảm khái cho văn giới nước nhà. Cũng nhân một ông Vũ Đình Long mà tôi có một chút mừng cho văn vận nước ta vậy... In vở kịch này của ông Vũ Đình Long tưởng cũng là có một chút công với quốc văn”(3) .
Ba tháng sau, nhân lần công diễn đầu tiên do Hội Bắc Kỳ công thương đồng nghiệp và Hội đồng diễn kịch tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 26-10-1921 để lấy tiền giúp đỡ trẻ mồ côi, nhiều bài diễn thuyết đã đưa Vũ Đình Long và vở Chén thuốc độc lên vị trí mở đầu của kịch cũng như của nền văn học mới. Đây là lời ông Nguyễn Mạnh Bổng – Tổng thư ký Hội Bắc Kỳ công thương đồng nghiệp: “Văn học sử nước ta sau này chép đến lối văn kịch có lẽ sẽ kể đầu từ bản kịch Chén thuốc độc này của ông Vũ Đình Long. Vì kịch bản nước ta soạn theo lối mới này, ông Vũ Đình Long là người xuất hiện thứ nhất. Bản kịch đầu tiên của ông ở trong làng văn lại là bản kịch xuất sắc hơn... Ngày 22 tháng 10 năm 1921 này thực sự là một ngày kỷ niệm lớn trong văn học sử nước ta về việc diễn kịch theo lối mới mà thuần nhiên dùng văn ta tả những cảnh xã hội ta”(4).
Cũng trong đêm diễn đó, ông Dương Nhữ Tiếp – Hội trưởng Hội đồng diễn kịch nhận xét: “Chưa bao giờ có bản tuồng tả phong tục Annam, diễn theo đúng thể cách Annam như bản kịch Chén thuốc độc của ông Vũ Đình Long mà chúng tôi diễn ngày hôm nay”(5).
Sau đêm diễn, các báo xuất bản trong nước bằng tiếng Việt như: Nam Phong, Thực nghiệp dân báo, Hữu Thanh tạp chí... và tiếng Pháp như: Lavenir du Tonkin, Le courrier dHai phong, France-Indochine, v.v... đều đăng các bài tường thuật, giới thiệu, phê bình, tạo dư luận rất sôi nổi xung quanh vở diễn. Người ta xem đây là trường hợp thành công có ý nghĩa mở đường, là dấu hiệu của một thời kỳ văn học mới.
Vị trí của Vũ Đình Long và ý nghĩa của sự ra đời vở kịch Chén thuốc độc theo đánh giá của những người đương thời như ta vừa thấy ở trên là hoàn toàn chính xác và thoả đáng. Sau sự xuất hiện của vở kịch, một thể loại mới trong lịch sử văn học dân tộc đã ra đời và phát triển, khiến cho diện mạo văn học Việt Nam thời kỳ này đổi khác, đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn và hiện đại hơn. Nó không chỉ làm thay đổi tính chất mà còn làm thay đổi cả cấu trúc của nền văn học. Cũng như nhiều nước trong khu vực Đông và Đông Nam châu Á, trước khi có kịch nói, Việt Nam chỉ có Tuồng, Chèo và Rối nước vốn là những loại hình nghệ thuật trình diễn với đặc trưng hàng đầu là phi văn bản. Tuy đến thời kỳ cận đại, với vai trò của Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh, Bùi Hữu Nghĩa (Tuồng), Nguyễn Đình Nghị, Nguyễn Thúc Khiêm (chèo) thì các tích Tuồng, tích Chèo đã được san nhuận, chỉnh lý và biên soạn để trở thành một nghệ thuật có văn bản, nhưng chủ yếu vẫn là những văn bản hình thành dựa trên những tích truyện có sẵn  cho nên vai trò bác Thơ, vai trò ông Trùm, vai trò thầy Tuồng vẫn lấn át vai trò nghệ sĩ sáng tạo và văn bản các vở Tuồng, Chèo do họ thiết lập vẫn chưa mang đầy đủ tính chất của một sáng tác văn học. Khi kịch nói xuất hiện, đồng thời với sự xuất hiện kịch bản là sự hiện diện của vai trò tác giả với tư cách là nhà văn, nhà nghệ sĩ sáng tác. Kịch bản là phương thức tồn tại đời sống văn học của kịch để từ đó người ta tạo lập đời sống sân khấu (vở diễn) cho nó. Như vậy, với Kịch nói, kịch bản văn học là cái có trước vở diễn sân khấu. Tư cách là một thể loại văn học của kịch nói cũng được khẳng định trước hết ở đặc điểm này.
Như ta đã biết, trước khi xuất hiện vở Chén thuốc độc, dưới ảnh hưởng của các vở kịch dịch, đặc biệt là vở Người bệnh tưởng của Moliere do Nguyễn Văn Vĩnh dịch, các trí thức Việt Nam thời đó gồm: Đoàn Ân, Trần Tuấn Khải, Nguyễn Hữu Kim, Vũ Đình Long, Hồ Trọng Hiếu, Nguyễn Ngọc Sơn, v.v… đã thành lập Hội Uẩn hoa, “sáng tác những vở “thời kịch” mô phỏng theo kịch Thái Tây để bổ ích cho nhân tâm thế sự nước nhà”. Các vở Mảnh gương đời, Bình địa ba đào của Trần Tuấn Khải; Cô giáo Phượng của Nguyễn Ngọc Sơn; Dây oan của Đoàn Ân… ra đời như một sự tập dượt, một sự chuẩn bị cho sự ra đời của vở Chén thuốc độc.
Theo Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu – Chủ bút Hữu Thanh tạp chí(6), vở kịch Chén thuốc độc được tác giả Vũ Đình Long gửi đến Toà soạn ngày 26 tháng 7 năm 1921. Đến tháng 9 năm 1921, toàn bộ vở kịch 3 hồi được đăng trên Hữu Thanh tạp chí các số 4 và 5. Sau đó, vở kịch được dàn dựng và công diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 22 tháng 10 năm 1921.
Người đương thời gọi đây là vở bi hài kịch được soạn theo “lối kịch thái Tây”, chủ yếu là theo hài kịch của Molière, bi kịch của Corneile và Racine – là những tác giả của kịch cổ điển Pháp thế kỷ XVII được các tầng lớp Tây học ở Việt Nam biết đến qua các bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh in trên Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chítừ mấy năm trước đó. Về cơ bản, nghệ thuật biên kịch ở Chén thuốc độc vẫn tuân theo qui tắc tam nhất của kịch cổ điển. Nhưng về thể loại, ở Chén thuốc độc là sự pha trộn giữa bi kịch và hài kịch như xác nhận của người đương thời. Nếu ở đây có sự lẫn lộn hoặc sự không nhận thức thấu đáo về đặc trưng mĩ học của bi kịch và hài kịch thì cũng là điều dễ hiểu. Đến tận đầu những năm 30, khi ảnh hưởng phương Tây và ảnh hưởng Pháp đã đạt đến độ chín muồi, nhiều tác giả vẫn còn tỏ ra chưa có ý niệm thật đầy đủ và chính xác về vấn đề này thì ở buổi đầu trứng nước, còn đầy những mới lạ, ngỡ ngàng như Vũ Đình Long, tránh sao nổi hiện tượng đó?
Nội dung câu chuyện kịch Chén thuốc độc kể về gia đình thầy Thông Thu – một công chức khá giả trong xã hội đương thời. Trước những tác động của xã hội, mỗi thành viên trong gia đình thầy hư hỏng theo mỗi cách khác nhau. Mẹ và vợ thì nhiễm thói đồng bóng, chỉ ham mê buôn thần bán thánh, chăm lo lễ lạt, chầu ngự; em thì hư hỏng, chửa hoang; còn bản thân thầy thì đam mê hát xướng, thường xuyên lui tới “xóm Bình Khang”, lại thêm bọn du đãng bợ đỡ, nịnh hót, dắt díu vào các cuộc chơi bời... Nề nếp gia đình đảo lộn; nợ nần chồng chất ngày một nhiều; gia phong bại hoại. Khi sực tỉnh, nhận ra thảm kịch đó thì cơ sự đã muộn, gia sản bị tịch thu. Trong cơn bế tắc, thầy Thông Thu không biết làm gì khác hơn là tìm đến chén thuốc độc để giải thoát. Kết cục bi đát sắp diễn ra thì may sao, có người mang thư và giấy mời nhận tiền đến. Đó là món quà của người em lưu lạc sang Lào đã biệt tích từ lâu, nay khá giả gửi tiền về biếu mẹ và anh. Có được món tiền, thầy Thông Thu qua được cái chết, trả được nợ, cứu vãn được gia đình và từ đó tu tỉnh bản thân.
Câu chuyện đơn giản và kết thúc một cách ngẫu nhiên, tình cờ nhưng ý nghĩa của nó lại rất thực, rất hợp với xã hội Việt Nam đương thời nên nó được công chúng đón nhận và dư luận đánh giá cao. Trong bài diễn thuyết của ông Nguyễn Huy Hợi – Hội trưởng Hội Bắc Kỳ công thương đồng nghiệp tại buổi công diễn đầu tiên có đoạn: “Chén thuốc độc tưởng tượng ra một cái gia đình ở trong buổi giao thời này, tả ra những cái nhầm nhỡ gây nên tai vạ khiến cho người xem rõ được nhẽ phải chăng, thật là có ích cho phong hoá nước nhà”.
Có thể nói, những hiện tượng và những nguyên nhân suy thoái đạo đức đẩy gia đình thầy Thông Thu đến nguy cơ đổ vỡ, tan nát là hiện tượng và nguyên nhân khá phổ biến trong xã hội Việt Nam thời kỳ này. Trước sự xâm nhập của lối sống phương Tây, xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX đã diễn ra những thay đổi khá căn bản, đặc biệt là ở thành thị và lớp người mới chịu sự đào luyện của môi trường giáo dục Pháp. Bên cạnh những thay đổi theo hướng tiến bộ, những giá trị tích cực phù hợp với qui luật phát triển của lịch sử và văn hoá, có không ít những cái kệch cỡm, lai căng, những biểu hiện của lối sống vị kỷ, chạy theo sở thích cá nhân, chà đạp lên đạo lý và thuần phong mĩ tục dân tộc. Thực trạng đó không chỉ diễn ra trên bình diện xã hội mà còn tấn công vào từng gia đình, từng cá nhân, phá vỡ những thiết chế đạo đức và tinh thần tưởng như “không di dịch” (Hoài Thanh) trong xã hội Việt Nam hàng nghìn năm trước.
Ở vở kịch này ta thấy, Vũ Đình Long tuy không đứng hẳn trên lập trường đạo đức phong kiến để phê phán, nhưng trong khi phê phán ta vẫn thấy ông là người nhân danh truyền thống, đại diện cho truyền thống là chính chứ chưa phải là người nhân danh cái mới, cái tiến bộ. Nói đúng hơn, ở vở kịch này, cũng như vở Toà án lương tâm được sáng tác 2 năm sau (1923), Vũ Đình Long mới chỉ đứng về phía lương tri, nhân danh lương tri để phanh phui, phê phán và kết án dục vọng (chủ yếu là dục vọng cá nhân) là chính.
Qua sự phê phán của Vũ Đình Long ta nhận thấy rất rõ những vấn đề xã hội đạo đức diễn ra trong xã hội Việt Nam ở buổi giao thời.
Cũng như rất nhiều vở kịch khác được viết vào những năm 20, hạn chế lớn nhất của Chén thuốc độc là tính thuyết giáo, một căn bệnh có nguồn gốc cả từ trong nghệ thuật truyền thống của dân tộc lẫn nguồn gốc từ kịch cổ điển châu Âu. Như nhận xét của người đương thời, các tác giả đã nhảy xổ cả vào nhân vật của mình để thuyết giáo về đạo đức, để răn dạy về đạo lý. Sự say sưa đó khiến cho tác giả không còn tôn trọng được lôgíc khách quan của vở kịch, không chế ngự được tình huống. Do đó tác giả phải mượn đến cái cớ ngẫu nhiên để can thiệp vào vở kịch như bức thư và tờ giấy nhận tiền trong vở Chén thuốc độc là chuyện dễ hiểu.
Dẫu sao, với sứ mệnh mở đầu, vở Chén thuốc độc xứng đáng được lịch sử văn học ghi nhận, và tác giả của nó – Vũ Đình Long xứng đáng đứng vào hàng những tác giả tiên phong của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Sau vở Chén thuốc độc (1921), năm 1922 Vũ Đình Long phóng tác vở Tây Sương tân kịch (Kịch 5 hồi) dựa theo Tây Sương ký của Vương Thực Phủ, nhưng vở kịch không gây được dấu ấn gì đặc biệt. Đến năm 1923, Vũ Đình Long viết tiếp vở Toà án lương tâm – một vở bi kịch 4 hồi, 1 cảnh.
Khác với vở Chén thuốc độc kết thúc có vẻ có hậu, vở Toà án lương tâm kết thúc trong cảnh sân khấu la liệt xác chết giống như cảnh tượng trong một số vở bi kịch của W. Shakespeare vậy.
Trong Lời nói đầu của vở kịch, tác giả Vũ Đình Long tiết lộ: “Chúng tôi vốn thích đọc kịch Tây nên đã hiểu qua loa được những phép tắc của thuật soạn kịch. Chúng tôi tập làm quốc văn, thấy hiện trong văn giới nước ta chưa ai lưu tâm đến việc soạn kịch theo lối mới nên đánh bạo thử viết Toà án lương tâm này, là bản kịch thứ ba của chúng tôi, nhưng kể về bi kịch thì mới là bản thứ nhất mà chúng tôi tự xét hãy còn nhiều khuyết điểm”.
Rõ ràng trong ý thức tác giả, đây là vở bi kịch học theo lối viết của kịch Tây. Nội dung vở kịch có phần giống với vở Chén thuốc độc. Đó là câu chuyện xẩy ra trong một gia đình công chức (thầy Ký Phú) “gia thế sa sút nhưng vẫn giữ lối Nho phong” (lời dẫn của tác giả về bài trí). Thầy Ký Phú tuy làm công chức nhưng lại yêu văn chương nghệ thuật, thích sống trong sạch theo đạo lý Nho gia và là người chồng chỉn chu, chí thú trong công việc. Nhưng trái lại, vợ thầy là cô giáo Quý lại thích đua đòi ăn chơi, khao khát phú quí vật chất. Từ chỗ chê bai chồng, cô đã tiến đến chỗ phản bội chồng, bắt nhân tình với một thanh niên nhà giàu, có học nhưng bất lương với mục đích vừa để thoả mãn ham muốn nhục dục cá nhân, vừa để bòn rút của cải. Vì muốn được tự do thực hiện ý đồ của mình, cô đã cùng với tình nhân mưu giết chồng là Ký Phú. Sợ bị bại lộ, họ đã giết luôn cả người bạn tốt và người đầy tớ trung thành của chồng. Thực hiện xong âm mưu, gian phu, dâm phụ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, hết lăn lóc trong các cuộc truy hoan lại lăn lóc trong các cuộc bài bạc. Nhưng mọi chuyện rồi cũng đến lúc phai nhạt. Lương tâm cắn rứt, chịu không nổi, trong sự hối hận muộn màng, cả hai đã kết thúc cuộc đời bằng súng lục. Đến trước khi chết họ mới nhận ra: “Nghiêm ngặt, ghê gớm thay là toà án lương tâm. Luật pháp của xã hội thì còn có thể vượt qua được, chứ đến cái lưới của toà án lương tâm thì tội nhân, ác phạm không tài nào tránh thoát” (Lời ả Quay – Scène thứ VIII).
Bi kịch trong gia đình thầy Ký Phú cũng như bi kịch của đôi tình nhân là kết cục của một cuộc đụng độ, một cuộc đối đầu giữa lương tâm và dục vọng của tầng lớp trung lưu tiểu tư sản thành thị trong xã hội Việt Nam những năm 20. Qua vở kịch, chúng ta có dịp được chứng kiến sự lung lay của đạo đức phong kiến, sự rạn nứt của thiết chế hôn nhân và gia đình phương Đông cổ truyền trước ảnh hưởng của lối sống cá nhân tư sản phương Tây. Trước sự xô đẩy của hoàn cảnh, sức phản kháng và chống đỡ của mỗi cá nhân thật yếu ớt. Đặc biệt là thầy Ký Phú. Có lẽ chính cái “lối Nho phong” còn sót lại trong tư tưởng, trong quan niệm về đạo đức và gia đình của nhân vật này đã tạo nên cái bạc nhược của anh ta. Trước mắt Ký Phú, mọi cuộc hôn nhân trong xã hội chỉ vì tiền. Các bậc cha mẹ thì tính toán, xếp đặt, tác thành cho con cái theo đầu óc vụ lợi của mình nên xã hội đầy rẫy những cảnh “gái giết chồng”, cảnh “ý tình không hợp, nay cãi nhau, mai đánh nhau”. Nhưng anh ta không đủ tỉnh táo để nhận ra sự phản bội của chính vợ mình. Cái chết của Ký Phú là bước lùi, là sự thất bại của lương tri trước dục vọng. Nhưng như ta đã thấy ở vở Chén thuốc độc, Vũ Đình Long trước sau vẫn đứng trên lập trường đạo đức phong kiến để phê phán và giải quyết xung đột nên ở cuối vở Toà án lương tâm, ông cho 2 nhân vật cô Quý và ả Quay phải chết trong sự cắn rứt đến điên loạn của lương tâm. Điều đó cũng có nghĩa là sự thắng thế trở lại của lương tâm trước dục vọng. Đây là một trong những xung đột bản chất của xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Thực ra, vấn đề lương tri và dục vọng hay nói rộng ra là vấn đề đạo đức không phải chỉ là vấn đề của riêng kịch nói mà nó còn là vấn đề của tiểu thuyết, văn xuôi và những lĩnh vực khác trong xã hội đương thời. Sự hấp dẫn của đề tài này đã tạo thành một khuynh hướng kịch phổ biến trong văn học Việt Nam những năm 20 với các tác giả tiêu biểu: Vũ Đình Long (Chén thuốc độc – 1921, Toà án lương tâm – 1923); Nguyễn Hữu Kim (Bạn và vợ – 1927, Cái đời bỏ đi – 1928, Thủ phạm là tôi – 1928, Giời đất mới – 1929...); Từ Sơn (Tình hối – 1922); Trung Tín (Toa toa, moa moa – 1925, Kẻ ăn mắm, người khát nước – 1926); Vi Huyền Đắc (Hai tối tân hôn – 1924, Uyên ương – 1927, Hoàng Mộng Điệp – 1928...)...
Trong Lời nói đầu của vở kịch, Vũ Đình Long thừa nhận: “Soạn kịch theo lối này là một việc rất khó, khó nhất là ở kết cấu, kết cấu thế nào cho sen nọ sen kia liên tiếp nhau như thực mà hồi nào hồi ấy có vẻ hoạt động tự nhiên”.
Thực tế cho thấy tác giả đã vượt qua đượt cái khó này để tạo ra một kết cấu tương đối hoàn chỉnh giữa các hồi và cảnh, dẫn dắt tình huống, triển khai xung đột một cách hợp lí, hành động kịch phát triển hợp lôgíc nội tại.
Tuy nhiên, về mặt thể loại, Vũ Đình Long vẫn tỏ ra lẫn lộn giữa bi kịch và hài kịch nên trong cùng một vở Toà án lương tâm, lúc thì ông gọi là bi kịch, lúc thì ông gọi là hài kịch. Sự lẫn lộn này còn kéo dài tới tận đầu những năm 30 ở nhiều tác giả. Ví dụ, khi sáng tác vở Không một tiếng vang (1933) Vũ Trọng Phụng giới thiệu đây là vở dân sinh bi kịchđược viết đúng theo kịch Thái Tây nhưng thực chất đó chưa phải là một bi kịch đúng nghĩa của nó. Song, dẫu sao Tòa án lương tâm vẫn đạt được phần nào hiệu ứng thanh lọc, tẩy rửa tâm hồn (catharsis) mà một vở bi kịch chân chính cần phải đạt được. Sự lầm lẫn của Vũ Đình Long khiến cho Tòa án lương tâm không trở thành bi kịch thực sự như ông mong muốn có lẽ chủ yếu là do ông chưa thật nhận thức được đầy đủ các đặc trưng thể loại bi kịch và các sắc thái mỹ học của Cái bi nên kết thúc vở có bi lụy mà chưa có bi kịch. Trên sân khấu, phần lớn các nhân vật đều tìm đến cái chết để kết thúc số phận, nhưng trong lòng người đọc, người xem lại thấy thiếu vắng những xúc cảm thẩm mĩ cao thượng, thậm chí xem đó là một kết thúc đáng có, đáng đời cho các nhân vật chính của vở kịch.
Mặc dù vậy, với 2 vở Chén thuốc độc và Tòa án lương tâm, Vũ Đình Long là một trong số những tác giả đặt những viên gạch đầu tiên xây nền đắp móng cho sự hình thành và phát triển của văn học Việt Nam hiện đại, trước hết là ở thể loại kịch.
Sau vở Tòa án lương tâm, Vũ Đình Long tạm dừng sáng tác để chuyên tâm hoạt động ở lĩnh vực xuất bản mà theo ông “rất cần cho sự chấn hưng văn chương”. Đã có lúc ông nghĩ: “Công cuộc ấy (xuất bản) có ích hơn là cặm cụi ngồi soạn năm mười vở kịch chưa chắc đã hay ho gì” (Tựa cho vở Đàn bà mới). Với vai trò chủ nhà xuất bản, nhà in Tân Dân và là một trong số những người chủ trương Tiểu thuyết thứ bảy (1934-1942), Phổ thông bán nguyệt san (1936-1941), Tạp chí Tao Đàn (1937-1938)… Vũ Đình Long đã góp một phần đáng kể vào việc quảng bá, khích lệ, kích thích sáng tạo văn chương nghệ thuật đương thời. Có nhà nghiên cứu đánh giá Tân Dân của Vũ Đình Long như một bà đỡ cho sự ra đời của không ít các tác phẩm văn chương, khảo cứu quan trọng thời kỳ này. Những tưởng như vậy ông đã xếp bút, “rửa tay gác kiếm” để an tâm theo đuổi một sự nghiệp khác!
Nhưng đúng 23 năm sau, trong một cuộc trò chuyện vào giờ giải lao ở sảnh đường Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội cùng Trương Tửu và một số văn hữu khi đến xem vở kịch thơQuán biên thùy (1943) của Thao Thao, Trương Tửu đã khích lệ Vũ Đình Long nên trở lại viết kịch. Đó là một trong những lí do để ông viết vở Đàn bà mới (1943), tiếp tục chĩa mũi nhọn công kích vào lối sống cá nhân tư sản phóng đãng đang ảnh hưởng rất mạnh đến quan niệm sống và lối sống của phụ nữ, làm đảo lộn thuần phong mỹ tục, trật tự gia đình và quan hệ xã hội đương thời. Theo Vũ Đình Long, sau khi hoàn tất vở kịch, ngoài lời đề tặng Trương Tửu để tỏ lòng tri ân về sự khích lệ, ông còn có lời đề tặng hai nhà văn Nguyễn Tuân và Lan Khai vì cảm phục tài Nguyễn Tuân đóng vai Trần Thiết Chung trong vở Kim tiền (1937) của Vi Huyền Đắc và Lan Khai đóng vai Ngô Thời Nhiệm trong vở kịch thơ Thế chiến quốc (1942) của Trần Tử Anh. Tuy vở kịch không thật đặc sắc và không vượt qua được 2 vở ông đã sáng tác thời kì đầu, nhưng nó có ý nghĩa nối lại quá trình sáng tác đã đứt đoạn hơn 20 năm và khẳng định lại lập trường tư tưởng, lập trường sáng tác khá nhất quán của Vũ Đình Long từ Chén thuốc độc (1921) đến Đàn bà mới (1948). Đó là lập trường bênh vực những giá trị đạo đức truyền thống trước tác động của “gió Âu”, “mưa Á” diễn ra trong lịch sử xã hội Việt Nam suốt từ thời kỳ cận đại sang hiện đại.
Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 trở đi, như nhiều văn nghệ sĩ tiền chiến khác, với tinh thần công dân và ý thức mới về cách mạng và tổ quốc, Vũ Đình Long tiếp tục sự nghiệp sáng tác kịch theo một quan niệm riêng và cách thức riêng của mình. Trong khi phần lớn các nhà viết kịch bị cuốn hút theo những xúc cảm mãnh liệt về cách mạng tháng Tám, về cuộc sống mới, con người mới kháng chiến làm xuất hiện hàng loạt những vở kịch ngắn, những hoạt cảnh gắn liền với đời sống và sinh hoạt kháng chiến thì Vũ Đình Long từ nơi tản cư ở Mục Xá – Hà Đông lại kiên trì phóng tác, Việt hóa các vở kịch Pháp thành kịch Việt Nam với mong muốn khiêm tốn là “làm được đôi việc hữu ích cho sự cổ động cái tinh thần ái quốc trong quốc dân” như các vở: Thờ nước (1947), Việt hóa vở Servir của Henri La Vedan; Công tôn nữ Ngọc Dung (1947), Việt hóa vở L’Averturiére của Emile Augier; Tổ quốc trên hết hay là Tình trong khói lửa (1949), Việt hóa vở Horace của Corneille; Gia tài (1958), Việt hóa vở Le Legrataire Universel của Regnard, v.v… Trong lời ghi chú in ở trang đầu vở Gia tài, tác giả đã giải thích về công việc Việt hóa của mình như sau: “Theo quan niệm riêng của chúng tôi thì Việt Nam hóa là dịch hay phóng tác và đưa vào hoàn cảnh Việt Nam một bản kịch ngoại quốc. Nguyên tắc Việt Nam hóa của chúng tôi là dịch sát nguyên văn hay dịch tự do tùy tiện, cố gắng giữ lấy thật nhiều cái đẹp, cái hay của nguyên tác, thêm bớt, thay đổi, cắt xén… biến vở kịch nước ngoài thành vở kịch Việt Nam”. Ông biết rất rõ: “một vở kịch Việt Nam hóa như thế có khuyết điểm, nhưng theo chủ quan cũng có một số ưu điểm đáng kể là gần ta hơn, dễ thông cảm hơn, truyền cảm mạnh và sâu sắc hơn, dễ diễn xuất hơn là dịch thẳng theo nguyên bản”. Trong khi Việt hóa, tác giả còn tính đến cả khả năng dàn dựng trong điều kiện nghiệp dư, tài chính eo hẹp, phương tiện nghèo nàn, lấy đâu tiền để sắm được những trang phục đắt tiền và cầu kỳ từ thời Lu-i XIV. Với ý nghĩ như vậy, ông coi việc Việt hóa hay phỏng dịch của mình là một cách  để bày tỏ “chút nhiệt tâm đối với nghệ thuật sân khấu nước nhà” và chút lòng thành muốn được phục vụ khán giả chế độ mới.
Trong Lời nói đầu của vở Tổ quốc trên hết (Tình trong khói lửa) Việt hóa từ vở Horace của Corneille, Vũ Đình Long viết: “Chúng tôi muốn ca ngợi và cổ động tinh thần ái quốc cho nên chúng tôi đã hân hoan đón lấy vở Horace và đã say sưa viết kịch Tổ quốc trên hết này… Nếu cái công phu nhỏ mọn của chúng tôi mà có ích được một đôi chút cho sự cổ động cái tinh thần ái quốc trong dân quốc thì thật là may mắn cho chúng tôi lắm”. Sau đêm công diễn tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội ngày 31-10-1953, trả lời phỏng vấn dư luận báo chí, ông Nguyễn Hữu Lượng chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Đoàn kết đưa ra nhận xét:
“Thành thật phải nhìn nhận rằng tác phẩm Tổ quốc trên hết là một sản phẩm hợp thời và trong lúc đang cần nuôi nấng lòng yêu nước thiết tha trong lòng tất cả mọi người Việt Nam thì sự Việt Nam hóa được những sản phẩm cổ điển Pháp là một sáng kiến huyền diệu… Những văn phẩm cổ điển Pháp cần phải được phiên dịch ra quốc văn, nếu có thể được thì phải thích nghi theo tình trạng xã hội Việt Nam như ông Vũ Đình Long đã Việt hóa vở Horace của Corneille”. Cũng về vở kịch này, bài phê bình của Nghiêm Vĩnh Cẩn trên báo Tia sáng ra ngày 7-11-1953 nhận xét: “Văn chương Vũ Đình Long trong vở này tuy là phiên dịch của nhà văn hào, kịch sĩ trứ danh Corneille cũng làm cho ta nhận được chân giá trị căn bản của nó”. Một sự đánh giá như vậy cho thấy việc Việt hóa các vở kịch nước ngoài của Vũ Đình Long đã được công chúng và các bạn đồng nghiệp đón nhận như thế nào. Tuy ngày nay, chúng ta có những yêu cầu khác hơn, những quan niệm khác hơn về dịch thuật so với thời Vũ Đình Long tiến hành công việc này, nhưng không vì thế mà chúng ta thiếu trân trọng các kết quả sáng tạo của ông. Chắc chắn sẽ không ai nghi ngờ về trình độ Pháp văn và khả năng trực dịch của ông. Với quan niệm về công việc Việt hóa và phóng tác như ông đã tự bộc lộ thì những gì Vũ Đình Long làm được trong thời kì này là kết quả của một quá trình tư duy sáng tạo hướng tới dân tộc và nhân dân như hầu hết các động cơ sáng tạo thời kì này.
Vào năm 1958, trước khi mất 2 năm, theo di bút của tác giả, ngày Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua Công-Nông-Binh toàn quốc cũng là ngày ông khởi thảo vở kịch 4 hồi Ép duyên hay là Trên đường cải tạo. Có lẽ đây là nỗ lực sáng tạo cuối cùng xác nhận thái độ của ông đối với công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa được tiến hành vào thời điểm này. Mâu thuẫn kịch tuy không gay gắt quyết liệt, thậm chí có nhiều chi tiết dễ dãi, nhưng nó lại phản ánh được phần nào những hoàn cảnh, những tâm trạng khá thực trong đời sống xã hội chính trị của đất nước, đặc biệt là của tầng lớp tiểu tư sản thành thị vốn là đối tượng chủ yếu của công cuộc cải tạo thời kì này. So với một số vở kịch có cùng đề tài như Quẫn của Lộng Chương chẳng hạn, vở Ép duyên có phần mờ nhạt về xung đột và tính cách cũng như về những vấn đề mà vở kịch muốn đề cập, nhưng ở đó ta thấy thấp thoáng hình bóng tác giả - một người có tình cảm chân thành, ứng xử theo cách riêng của mình trước các xu thế của xã hội và cuộc sống. Chính trong thời kì này, ông trở thành hội viên Hội Nhà văn và hội viên Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
Giữa hai thời kì sáng tác, trước và sau Cách mạng tháng Tám thì dấu ấn của Vũ Đình Long ở thời kì trước đậm hơn. Với dấu ấn này, đã có nhà nghiên cứu xem Vũ Đình Long là ông tổ của kịch nói xét trên phương diện sáng tạo kịch bản. Còn lịch sử văn học thì ghi nhận ông là một trong số những tác giả đặt viên gạch đầu tiên kiến tạo tiến trình văn học hiện đại1
_______________
(1) Năm 2009, Nhà xuất bản Hội Nhà văn và gia đình ông Vũ Đình Long đã cho ra mắt Tuyển tập kịch Vũ Đình Long, trong đó, lần đầu tiên công bố một số vở do ông Việt hóa và sáng tác từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp đến 1958. Đó là căn cứ để có một sự nghiên cứu đánh giá đầy đủ hơn về sự nghiệp sáng tác của Vũ Đình Long.
(2) Phỏng theo Tây Sương ký của Vương Thực Phủ.
(3) Hữu Thanh tạp chí, số 4-5 (tháng 9-1921).
(4), (5) Diễn thuyết trong đêm biểu diễn đầu tiên vở Chén thuốc độc của Vũ Đình Long.
(6) Hữu Thanh tạp chí số 3-1921.




Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 11/2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét