Tìm kiếm Blog này

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
TIỀN BẠC CHI TIÊU RỒI CŨNG HẾT, CHỮ ĐỂ MAI SAU NGHĨA MÃI CÒN

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

GIỚI THIỆU VỀ BLOG NHÀ XUẤT BẢN TÂN DÂN

Blog này dành cho những ai thiết tha với văn hóa dân tộc và khát vọng phục hưng lại một giai đoạn phát triển rực rỡ của văn hóa, văn học Việt Nam trong khoảng thập niên 30 và 40 của thế kỉ XX.



Giai đoạn trước 1945 và nhất là từ khoảng 1930 đến 1945 được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là giai đoạn hoàng kim của văn học Việt Nam. Xét về thời gian chỉ hơn một thập kỷ nhưng xét về tốc độ phát triển thì văn học Việt Nam đã tiến xa hàng trăm năm để hòa vào quỹ đạo thế giới hiện đại.


Thật khó thống kê được chính xác có bao nhiêu công trình khoa học nghiên cứu về văn học Việt Nam giai đoạn trước 1945. Tựu chung lại có thể thấy nghiên cứu về giai đoạn này có một số cách tiếp cận nổi lên như sau. Trước hết, các nhà nghiên cứu tập trung vào những gương mặt tiêu biểu nhất cho văn học giai đoạn này. Đó là những công trình nghiên cứu về các tác gia – những người có sự nghiệp sáng tác đồ sộ, có phong cách nghệ thuật độc đáo hoặc đại diện cho một khuynh hướng sáng tác nào đó. Thành tựu của hướng nghiên cứu này là những công trình nghiên cứu chuyên sâu về Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Ngọc Giao.... Cách tiếp cận này có ưu điểm là giúp nhận diện được những đặc điểm lớn nhất của một giai đoạn văn học thể hiện trong một hoặc vài hiện tượng tiêu biểu, song cũng là thiếu xót do không thấy được sự vận động đa chiều và cực kì phức tạp của của một tiến trình văn học, dễ bỏ qua nhiều hiện tượng văn học độc đáo khác. Hướng tiếp cận thứ hai là dùng mô hình phương pháp sáng tác. Với hướng tiếp cận này, các nhà nghiên cứu hình dung văn học Việt Nam trước 1945, đặc biệt là giai đoạn 1932 – 1945 như là cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn. Mô hình này có một số hạn chế vì phương pháp sáng tác ở Việt Nam là không thuần nhất. Trong cùng một nhà văn có thể vừa tìm thấy tác phẩm theo khuynh hướng chủ nghĩa hiện thực và cả tác phẩm theo khuynh hướng lãng mạn. Thậm chí hai khuynh hướng này nhiều khi còn tồn tại trong cùng một tác phẩm. Hơn nữa, các phương pháp sáng tác có nguồn gốc nước ngoài, khi vào Việt Nam không theo một con đường chính thống, có hệ thống và chủ soái, và tất yếu phải bị biến đổi rất nhiều. Ở hướng tiếp cận thứ ba là dùng mô hình thể loại, coi lịch sử văn học như là sự vận động của các thể loại. Điển hình cho thành tựu của hướng nghiên cứu này là những công trình của GS.Phan Cự Đệ như Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Văn học Việt Nam thế kỉ XX (GS.Phan Cự Đệ chủ biên)... Xem xét tiến trình vận động của một nền văn học mặc dù không thể bỏ qua sự vận động, phát triển của các thể loại xong cũng là thiếu sót nếu cho rằng thể loại là nhân tố duy nhất quyết định sự vận động của đời sống văn học.

Những cách tiếp cận trên với những ưu và nhược điểm của nó cho thấy, để có thể hình dung về sự vận động của văn học với tư cách là một thực thể sống động thì cần thiết phải nghiên cứu đồng thời nhiều yếu tố cấu thành nên văn học, hơn thế nữa phải đặt văn học trong bối cảnh xã hội rộng lớn mà trong đó văn học tồn tại và vận động. Chúng tôi muốn nói tới phương pháp tiếp cận xã hội học trong nghiên cứu văn học. Trong nghiên cứu xã hội học văn học, trước đây, giới nghiên cứu chỉ tập trung vào các yếu tố như ý thức giai cấp, tác động của các sự kiện chính trị đến đời sống văn học... nhiều khi bị đẩy tới cực đoan trở thành xã hội học dung tục. Việc đề cập đến những vấn đề chính trị, tư tưởng, giai cấp ảnh hưởng trong văn học là cần thiết nhưng không phải là yếu tố quyết định và sẽ là không đủ. Hướng nghiên cứu xã hội học văn học hiện đại chú ý nhiều tới các yếu tố nội tại của văn họ như các hoạt động: báo chí, xuất bản, các nhóm văn học, phương thức tổ  chức đời sống văn học (hội nhóm, mối quan hệ giữa các hội nhóm, nhà văn, nhà phê bình, nhà sách, việc bán sách, quan hệ độc giả – người viết văn...). Trong các yếu tố kể trên thì mối quan hệ giữa báo chí và văn học đã được nghiên cứu kỹ, nhiều nhất.

Giới nghiên cứu văn học ở Việt Nam gần đây đã có những động thái đúng đắn và tích cực trong việc tìm hiểu và phân tích kỹ lưỡng vai trò của báo chí trong tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc nửa đầu thế kỉ XX. Các báo Nam Phong, Hà thành ngọ báo, Đông Dương tạp chí, Tiểu thuyết thứ năm, Thanh Nghị, Phụ nữ tân văn... đã được nghiên cứu, khảo sát. Vậy việc nghiên cứu sự tồn tại và các mối quan hệ giữa các nhóm văn học là cần thiết và không thể bỏ qua. Mỗi một nhóm văn học thường có những nhà xuất bản và tờ báo để nói lên tiếng nói của mình. Nhóm Tự lực văn đoàn, Tri Tân đã có nhiều công trình nghiên cứu kĩ lưỡng. Tuy nhiên, nhóm Tân Dân – một đối chọi với Tự lực văn đoàn vào đương thời lại ít được đề cập. Trong các bộ giáo trình văn học Việt Nam viết về giai đoạn trước 1945 hầu như không có một dòng nào đề cập tới Tân Dân. Chúng tôi nhận thấy đó là một thiếu xót lớn.

Nhóm Tân Dân với Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Ích hữu, Tao Đàn, Truyền bá và hai tủ sách Tủ sách Tao Đàn, Tủ sách Những tác phẩm hay hoạt động rất mạnh từ giữa thập niên 30 đến đầu những năm 40 của thế kỉ XX. Trên các tờ báo và tạp chí đó hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng đã ra đời và cũng là một mảnh đất tốt ươm tạo cho nhiều tài năng văn chương đương thời.

Từ thực tế trên, tôi lập ra blog này với mong muốn là nơi giới thiệu và cung cấp một cách đầy đủ nhất về tất cả những gì mà nhà xuất bản Tân Dân đã đóng góp cho nền văn hóa, học thuật và văn chương Việt Nam trong khoảng hơn một thập niên trước 1945. 

Blog Nhà xuất bản Tân Dân sẽ là nơi lưu trữ, góp nhặt tất cả những sáng tác của các nhà văn, nhà thơ nhà nghiên cứu... đã được đăng tải trên các ấn phẩm Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Phổ Thông Bán Nguyệt San, Ích Hữu, Tao Đàn, Tủ sách Tao Đàn, Tủ sách Những tác phẩm hay, Truyền Bá của nhà xuất bản Tân Dân.

Blog Nhà xuất bản Tân Dân cũng là nơi góp nhặt những nghiên cứu, đánh giá, phân tích về tất cả những yếu nhân đã làm nên tên tuổi của Tân Dân qua các thời kì khác nhau, từ đương thời cho đến hiện nay.

Quả thực, để làm tư liệu cho một nhà xuất bản có lượng tác phẩm khổng lồ và đội ngũ nhà văn hùng hậu như Tân Dân không phải là công việc dễ dàng và có thể làm xong trong thời gian sớm chiều. Tôi mong mỏi các bạn, những người thiết tha với văn hóa dân tộc và có khát vọng phục hưng nền văn hóa ấy như nó đã từng phát triển vô cùng rực rỡ trong hai thập niên cuối của nửa đầu thế kỉ XX, hãy cùng chung tay góp sức bằng cách sưu tầm bài vở trên mạng internet hay bỏ công scan ảnh từ những sách mà mình có, hoặc kì công hơn cả là văn bản hóa những tư liệu của mình để xây dựng blog này ngày một giàu có và hoàn thiện.

Mọi đóng góp bài vở của các bạn xin vui lòng gửi về hòm thư điện tử: Evdipbo@gmail.com. Chúng tôi sẽ biên tập lại cho hoàn chỉnh, thẩm định sự tin cậy và chính xác của tài liệu trong thời gian sớm nhất và cho xuất bản trên blog này.

Trân trọng,


(Xin vui lòng ghi rõ nguồn www.nxbtandan.blogspot.com đối với những bài đăng trên blog này)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét