Tìm kiếm Blog này

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
TIỀN BẠC CHI TIÊU RỒI CŨNG HẾT, CHỮ ĐỂ MAI SAU NGHĨA MÃI CÒN

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

VŨ ĐÌNH LONG - NGƯỜI KHỞI ĐỘNG VÀ THÚC ĐẨY TIẾN TRÌNH HIỆN ĐẠI HÓA


Nói đến Vũ Đình Long ([1]) tôi muốn nhấn mạnh hai đóng góp lớn của ông cho tiến trình hiện đại hóa. Đó là: Tác gia kịch nói đầu tiên trong lịch sử sân khấu Việt Nam; và là người góp công lớn tổ chức nên thị trường văn chương, trong tư cách ông chủ báo, chủ xuất bản.
Ở tuổi 25, Vũ Đình Long đã xuất hiện như một gương mặt tác gia sáng giá với 2 vở kịch nói: Chén thuốc độc (in trên Hữu thanh; 8-1921; diễn lần đầu tại Nhà hát lớn Hà Nội; 22-10-1921) và Tòa án lương tâm (Nghiêm Hàm xuất bản 1923). Hai vở kịch đã làm nên một cuộc cách tân quan trọng đưa sân khấu dân tộc chuyển vào con đường kịch nói, với một diện mạo mới, theo mô hình phương Tây, để từ nay, bên Tuồng cổ lại có thêm Kịch kim.
Những năm 20 là thời của thơ có những chuyển động theo mới nhưng còn chưa dứt ra khỏi được các lối cũ, với người khởi đầu là Tản Đà. Thơ Tản Đà như trong Cảm thu, tiễn thu dẫu đã có nhiều phóng khoáng trong ý và lời vẫn còn chưa hết trạng thái phân vân giữa mới và cũ. Cũng là thời của văn xuôi mà đại diện là Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, tuy đã như một quả bom gây chấn động trong dư luận, nhưng vẫn phải hướng tới một kết thúc “luân lý” trong khuôn viên chế độ gia đình, và chưa hết dấu ấn câu văn biền ngẫu.
Đặt Chén thuốc độc và Tòa án lương tâm của Vũ Đình Long bên thơ Tản Đà và Tố Tâm, thấy Vũ Đình Long đã làm được một cuộc cách tân tương đối triệt để.
Đây là vở kịch nói Việt Nam đầu tiên được công diễn; còn trước đó, ở Nhà hát lớn chỉ diễn một số vở kịch Tây, như Bệnh tưởng, Trưởng giả học làm sang của Molière, với dàn diễn viên là các trí thức ở đẳng cấp cao như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Huy Lục... Cũng cần nói thêm, việc diễn kịch là nhằm làm việc thiện, như quyên góp giúp dân bị lụt; giúp trẻ mồ côi, chứ không phải là hoạt động có tính chuyên nghiệp.
Cố nhiên, do là kịch bản của tác giả Việt Nam, lấy đề tài trong sinh hoạt thành thị Việt Nam, viết bằng lời văn Việt Nam, nên xét trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật, hai vở kịch của Vũ Đình Long vẫn chưa thoát ra khỏi các dấu ấn giao thời. Về nội dung, vẫn là sự phê phán lối sống tư sản hóa trên lập trường đạo đức cũ. Về nghệ thuật, vẫn phải mượn các sự cố ngẫu nhiên để giải quyết các tình huống kịch; và nhân vật còn thiếu sự sống tâm lý và thiếu các nét dáng chân thực trong tính cách và số phận.
Điều đáng lưu ý ở đây là nếu cuộc cách mạng trong thơ văn được khởi động từ Tản Đà và Tố Tâm, rồi cứ thế mà thẳng tiến, mà giành tiếp những thắng lợi mới, mà thành cả một phong trào, gần như không có một chút gì có dấu hiệu ngưng lại hoặc đảo ngược thì cuộc cách mạng để giành quyền tồn tại và lên ngôi cho sân khấu kịch nói, tính từ khởi điểm Vũ Đình Long xem ra lại mờ nhạt và chật vật. Sau ông hàng chục năm và kéo dài suốt những năm 30, cuộc hành trình của nền sân khấu mới cũng chỉ lác đác dăm ba người hành nghề theo lối nghiệp dư như Nguyễn Hữu Kim, Vi Huyền Đắc, Nam Xương, rồi Khái Hưng, Đoàn Phú Tứ... Một số vở của Vi Huyền Đắc, kể từ Uyên ương (1927),Hoàng Mộng Điệp (1928), qua Kinh Kha (1935) cho đến Kim tiền(1938), Ông Ký Cóp (1938); rồi của Đoàn Phú Tứ, như Những bức thư tình (tập kịch ngắn, 1937), Mơ hoa (tập kịch ngắn, 1941), Ghen(1942), Ngã ba (1943) tuy có tiếng vang nhất định trong một số ít công chúng hẹp, nhưng xem ra hoạt động của họ vẫn chưa ra khỏi một cuộc chơi tài tử, gắn với các Ban kịch tài tử. Sân khấu kịch nói hiện đại chưa có đất đai ăn sâu vào, dẫu chỉ một bộ phận nhỏ công chúng trung lưu thành thị, trong khi sân khấu truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương, còn có cả một cái biển mênh mông người xem gồm các tầng lớp nhân dân lao động ở cả nông thôn và thành thị.
Ta hiểu vì sao nền sân khấu kịch nói gắn bó và đáp ứng yêu cầu của sinh hoạt đô thị, của đời sống hiện đại còn phải trải một thời gian lâu mới đến được các tầng lớp công chúng rộng rãi. Trong cuộc cạnh tranh và chen vai với toàn bộ các loại hình sân khấu truyền thống, sân khấu kịch nói đã giành được đất sống không phải bằng một cuộc chiến để thủ tiêu nhau mà là một cuộc tranh đua để cùng nhau tồn tại. Và sự chung sống bên nhau đó là kéo dài suốt thế kỷ, cho đến nay, trong khi số lớn các thể thơ cũ và lối văn cũ đều đã yên vị trong các bảo tàng.
Thế nhưng tên tuổi Vũ Đình Long không chỉ gắn bó với hai vở kịch chắc chắn đã có thể yên vị và có ngôi vị trong văn học sử. Thuộc thế hệ tác giả của buổi giao thời, có cả hai thứ vốn Hán học và Tây học, sự nghiệp sáng tác của Vũ Đình Long, sau hai vở kịch viết và diễn vào năm 1921 và 1923; rồi vở Đàn bà mới - như một tuyên ngôn lành mạnh về nghề làm báo - năm 1944, còn nhiều mặt khác rất đáng kể. Đó là các bản dịch hoặc phỏng tác các truyện Tàu và kịch Tây, trong đó số lớn đều là các bản thảo chưa in, kể từ Tây Sương tân kịch (1922) đến các vở phỏng theo Molière: Đạo đức giả, Người yếm thế, Người ghét đời; theo Shakespeare: Hăm liệt - hoàng tử Tây Hạ quốc, Âu thiên lộ... Trong số các phóng tác, đáng chú ý là Tổ quốc trên hết (còn có tênTình trong khói lửa) phỏng theo vở Horace của Corneille, được diễn và xuất bản ở Hà Nội, năm 1953; và vở Cậu Vân, phỏng theo truyệnÔng cậu Vania của Sêkhốp, xuất bản sau 1954. Ông còn viết nhiều loại văn khác: Lục mẫu đơn (1926), Thế giới trẻ em (1927), Quốc âm độc bản (1932), và một số bài trên Nam phong và Hữu thanh. Từ 1945 đến 1954, ở Hà Nội ông cho tục bản Tiểu thuyết thứ bảy, dựnglại nhà in Tân Dân.
Vũ Đình Long mất ở Hà Nội năm 1960, khi trên miền Bắc sau mấy năm khôi phục kinh tế đang tiến hành công cuộc hợp tác hóa và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư nhân. Kể cũng buồn cho một cuộc ra đi lặng lẽ của một người có ngót 40 năm hoạt động trên cả hai lĩnh vực văn học và sân khấu; hơn thế, người đã có một cuộc sống trong quan hệ thật rộng rãi với khá đông giới sáng tác, trong đó có không ít tên tuổi tiêu biểu cho văn học những năm 30. Bởi lẽ hoạt động rất đáng được ghi nhận của Vũ Đình Long, ngoài tư cách là người sáng tác còn là người tổ chức, kinh doanh, góp phần tạo nên diện mạo văn học thời kỳ 1930-1945 trong tư cách người chủ báo, chủ nhà in, chủ xuất bản, gắn với địa chỉ nhà Tân Dân 93 phố Hàng Bông - Hà Nội.
Một sự nghiệp đáng được ghi công như thế, phải chờ đến công cuộc đổi mới, khi chúng ta đã có một cách nhìn khác, trong việc thừa nhận nền sản xuất hàng hóa và chủ trương một nền kinh tế nhiều thành phần, thì những hiện tượng như hiện tượng ông chủ Vũ Đình Long nơi đời sống văn học hồi 1930-1945 trong bối cảnh nền kinh tế thuộc địa lại trở nên dễ hiểu và trở nên quen thuộc. Những hoạt động ấy cần được xem xét lại; trong đó có mặt cần được hoan nghênh và khẳng định.
*          *
Từ giữa những năm 20, khi còn là công chức của Nha Học chính Đông Dương, Vũ Đình Long đã quan tâm đến các hoạt động in ấn và xuất bản, một loại nghề nghiệp mang tính chất kinh doanh và nhằm vào mục tiêu kinh doanh; một hoạt động như một nghề tự do trong nền sản xuất tư sản, trong xã hội thuộc địa, mới chỉ xuất hiện ở xứ ta từ đầu thế kỷ, và trở nên sôi nổi vào những năm 20 và 30.
Năm 1925, Vũ Đình Long mở hiệu sách và lập nhà in Tân Dân ở 93 Hàng Bông - Hà Nội. Đến 1930 nhà in Tân Dân chính thức khánh thành sau một quá trình chuẩn bị với số vốn ban đầu chỉ là 800 đồng Đông Dương; và với số công nhân được tuyển mộ lúc này mới chỉ có dưới 30 người. Đến 1936 thì Vũ Đình Long dứt khoát thôi hẳn nghề công chức ở Nha Học chính Đông Dương để trở thành ông chủ Tân Dân. Lần lượt và xen kẽ, ông cho ra đời nhiều tờ báo lớn có khả năng lấn át và bóp chết nhiều loại báo đàn em. Đó là Tiểu thuyết thứ bảy(1934-1942) ra hàng tuần, 60 trang, giá 5 xu - Nguyễn Công Hoan sợ không bán được nhưng hóa ra rất chạy; Ích hữu (1937-1938) cũng ra hàng tuần - là tờ chuyên văn học, gồm nhiều mục hấp dẫn và nhiều minh họa; tạp chí Tao đàn (1939), ra hàng tháng, giá 25 xu; Tủ sách Truyền bá cho thiếu nhi (1941-1943) 30 trang, 30 xu... Không kể ông còn cho ra không đều kỳ các loại: Sách học, Quốc âm dẫn giải, Những tác phẩm hay...
Ấn phẩm - gồm sách, báo - của Vũ Đình Long có đại lý ở khắp Đông Dương; với tỷ lệ hoa hồng từ 8 đến 10 phần trăm, quan hệ giữa chủ và các đại lý là hòa thuận, sức tiêu thụ các sản phẩm của nhà Tân Dân là khá nhanh.
Là ông chủ, Vũ Đình Long có rất nhiều sự khôn ngoan để chiêu mộ và tập hợp các lực lượng viết văn tự do đã trở nên đông vào những năm 30. Lực lượng viết và dịch chữ Hán gồm: Mai Đăng Đệ, Doãn Kế Thiện, Nguyễn Can Mộng, Nhượng Tống, Phan Khôi, Tản Đà, Trúc Khê, Nguyễn Đỗ Mục, Phùng Tất Đắc... Lực lượng làm báo, viết văn Quốc ngữ thực sự là đông và thuộc nhiều xu hướng: Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Vũ Bằng, Lê Văn Trương, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc, Leiba, Tchya, Thanh Châu, Ngọc Giao, Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân... Với lực lượng hùng hậu và đa tài đó, Vũ Đình Long có đủ sức nuôi sống cùng lúc nhiều tờ báo lớn do ông chủ trương; và có khả năng lấn át hoặc bóp chết nhiều tờ báo, nhiều nhà xuất bản kém thế. Ông có đủ sức cạnh tranh nghiêng ngửa với Tự lực văn đoàn ở địa chỉ 80 Quán Thánh, là nhóm văn học được tiếng là hùng mạnh, và tỏ ra có nhiều ưu thế và uy thế lúc này. Tự lực văn đoàn với ông chủ Nhất Linh, với người quản lý tài chính là Hoàng Đạo, hoạt động chung quanh hai tờ Phong hóa, Ngày nay, và Nhà xuất bản Đời nay, quả là một lực lượng đáng sợ. Thế nhưng những biếm họa trên Ngày ngay của Tô Tử (tức Tô Ngọc Vân) về Vũ Đình Long Tiên ông, lỗ mũi phun kiếm và tiền tuôn chảy vào hai ống tay áo thụng của Tiên ông; và các Tiên bà, Tiên nữ, Tiên đồng ở động Tân Dân thì thỏa sức đưa rổ rá ra mà hốt bạc, lại chẳng gây phản ứng tức tối gì cho ông chủ họ Vũ; mặt khác, cũng lại nói được sự thật về khả năng kinh doanh và sinh lợi của ông chủ họ Vũ.
Có thể nói, ngoài “thất tinh”, hoặc “bát tú” của Tự lực văn đoàn, cùng một số tên tuổi chịu ảnh hưởng của họ khoảng trên chục cây bút, thì gần như số lớn các nhà văn tự do hồi 1930-1945 đều tự nguyện tập hợp hoặc tìm đến với ông chủ Tân Dân. Kể cả những người không thuộc nhóm nào như Trương Tửu, Nguyễn Vỹ... cũng không ác cảm với Tân Dân. Tân Dân không phải là một “văn phái”, vì các xu hướng viết ở đây rất khác nhau; một số cây bút cao giá không chỉ viết cho Tân Dân mà còn viết cho các báo khác, mặc dầu đó là điều Vũ Đình Long không muốn và vẫn tìm cách ngăn cản. Có sức tập hợp đó vì ông chủ họ Vũ đã biết phát huy những mặt mạnh trong khả năng tổ chức và trong quan hệ ứng xử. Khá nhạy bén trong việc phát hiện các nhu cầu của thời cuộc và khả năng đáp ứng cho thời cuộc, ông đưa ra được các giải pháp kịp thời, những mẫu mã thích hợp. Trong mặt thuận, mặt tích cực của nó, những người viết văn như một lực lượng lao động tự do đã có thể có chỗ làm, và có nhiều việc làm trên các tờ báo, và các đầu sách do ông chủ nhà Tân Dân chủ trương. Bao giờ mà chẳng thế, người viết cần viết và được kích thích viết khi có chỗ in, để kiếm sống hoặc để kiếm danh! Và cố nhiên, mặt trái, mặt tiêu cực của nó, đó là khả năng khai thác, kén chọn của một thị trường lao động chất xám để có thể kiếm lãi và làm giàu. Có điều trong các tài liệu được đọc tôi lại chưa thấy có nhà văn nào nói về lòng tham và sự bóc lột quá đáng của Vũ Đình Long. Chỉ thấy nói đến cách ông trả nhuận bút khá sòng phẳng; cách ông xử sự khá lịch thiệp, rộng rãi với người viết mà ông tin cậy; cách ông không thất tín với người viết, với các đại lý, và với các công nhân. Dẫu vậy câu chuyện về cuộc “biểu tình” hòa bình của một nhóm nhà văn gồm Trương Tửu, Lan Khai, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Ngọc Giao và Vũ Trọng Phụng - lúc này đã rất yếu và vào thời kỳ cuối của bệnh lao - xuất phát từ nhà Trương Tửu ở phố Tiên Tsin kéo lên phố Hàng Bông để đòi tăng nhuận bút từ tám hào lên một đồng hai, cho một trang bản thảo gồm 32 dòng, mỗi dòng 14 chữ... lại cho thấy cái hiện tượng khó có thể nói khác hơn là sự bóc lột, vì có bóc lột thì có đấu tranh. Thế nhưng không khí đấu tranh xem ra không phải là quá căng, ông chủ đã dễ dàng nhượng bộ, và những người “biểu tình” thì ra về vui vẻ ([2]). Cố nhiên, những người viết văn ở xứ ta, số lớn đều nghèo, nên ai cũng không khó khăn nhận ra và chấp nhận cách thức đối phó của một người có giác quan khá nhậy bén trong trường cạnh tranh làm giàu. Chẳng hạn ai đã đến với Vũ Đình Long thì không được viết cho các báo khác; nhưng sự thật thì nhiều người vẫn viết cho nhiều tờ. Sự trả công của ông là tùy mặt; ai có tiếng và được khách thì ông trả cao; có người ông trả ít, có người ông không cần phải trả bởi được ông in cho đã là vui rồi. Nguyên tắc ai giao thiệp với ông thì chỉ người ấy biết, còn họ không phải biết gì về nhau. Là ông chủ có cái nhìn xa, ông biết cách chiêu mộ và trọng đãi người tài, ngay cả khi họ chưa nổi danh; biết cách tích trữ bản thảo để luôn luôn có vốn bản thảo tung ra thị trường khi khan hiếm, khi cần đến hoặc khi có dịp; biết cách sử dụng lao động trong nhiều dạng loại (làm công ăn lương trong “biên chế” tòa soạn như Ngọc Giao, nhận thầu như Vũ Bằng, hoặc định kỳ mua bản thảo cho số đông người viết có tên tuổi) và biết cách trả công theo giá trị của sản phẩm để sao cho việc chiít có thể đem lại thu nhiều. Trong quan hệ với các nhà văn ông có những cách chơi riêng. Chẳng hạn với Nguyễn Công Hoan, thuộc trong số cộng sự mà ông tin cậy và nể trọng, người mà số lớn đầu sách quan trọng như Tắt lửa lòng, Lá ngọc cành vàng, Kép Tư Bền, Cô giáo Minh... đều được đăng liên tiếp trên Tiểu thuyết thứ bảy hoặc Phổ thông bán nguyệt san, cũng là người đã có lần bị ông dụ vào việc ký một hợp đồng, để suốt đời ràng buộc với ông. Cố nhiên, Nguyễn Công Hoan đã không khó khăn tránh được cái bẫy ấy. Thế nhưng việc nhà văn hỏi vay tiền thì ông không bao giờ từ chối; thậm chí ông còn là người hào phóng khi nhận trả góp cho nhà văn món nợ 1000 đồng; món tiền lớn này cho mãi đến sau 1945, Nguyễn Công Hoan vẫn mới chỉ trả được hơn một nửa; và đã được Vũ Đình Long bằng lòng xóa nợ sau 1954.
Qua giới thiệu của Nguyễn Công Hoan, ông biết “chọn mặt gửi vàng” nơi Tô Hoài, để có Con Dế Mèn và tiếp đó là Dế Mèn phiêu lưu ký; và sau khi Tô Hoài đã quen biết và biết cách “viết như chạy thi”, đã có sự tin cậy để hàng tháng đến Tân Dân nhận tiền và giao bản thảo, ông biết đón cả Nam Cao - thường đi kèm Tô Hoài, lúc này đang là cây bút mới, còn rất rụt rè...
Không chỉ làm báo, in tiểu thuyết, Vũ Đình Long còn mạnh dạn mở rộng sự kinh doanh sang địa hạt phê bình. Bộ sách Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan gồm 4 quyển, 5 tập, trên 1500 trang cũng được in ở nhàTân Dân ròng rã ngót 4 năm theo sự tính toán rất thực tế của Vũ Đình Long, và tất nhiên với sự thỏa thuận của tác giả.
Trong công việc kinh doanh, Vũ Đình Long cũng không quên mở rộng quy mô nhà in và trang bị mới kỹ thuật in ấn. Từ 1937 ông cho phá nhà in cũ, xây nhà in mới, mua chữ mới, máy mới ở Pháp để có thể phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và lấn át nhiều nhà in đương thời như T.B Cay (Hoa kiều) ở Sinh Từ, Minh Sang ở Bờ Hồ, Ngô Tử Hạ ở Nhà Thờ, Văn Hồng Thịnh và Lê Văn Tân ở Hàng Bông, không kể các nhà in nhỏ. Số công nhân làm việc ở Tân Dân, từ con số ba chục, có lúc lên đến vài trăm. Mô hình Vũ Đình Long theo đuổi là Editions Flammarion và Librairie Hachette ở Pháp. Từ số vốn ban đầu là 800 đồng cho đến khi phát triển thành ông chủ, Vũ Đình Long đã có một tài sản lớn, chỉ riêng máy móc đã có giá 1 triệu 20 vạn đồng.
Nếu biết rằng, trước 1930, việc in sách thường là do chính các tác giả tự lo, trong tư cách các nhà xuất bản tư nhân, thì mới thấy trên 10 năm hoạt động, ở tư cách chủ bút, chủ xuất bản, Vũ Đình Long đã làm nên một sự nghiệp lớn - đó là việc góp công tổ chức nên một thị trường văn chương thật sôi động vào những năm 30; đã cho ra đời một khối lượng khổng lồ các tác phẩm gồm nhiều loại, với nhiều khuynh hướng sáng tác, và với nhiều thang bậc giá trị. Tất nhiên đây là thời của xã hội thuộc địa, trong khuôn khổ của một nền báo chí và xuất bản rất có giới hạn, những hoạt động ở tư cách ông chủ của Vũ Đình Long là gồm cả hai mặt, nhưng mặt tích cực vẫn là căn bản.
Từ khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, các luồng đường giao thông huyết mạch ở Đông Dương đều bị ách tắc; và khi Mỹ ném bom vào chợ Hàng Da làm cho nhà in Tân Dân ở góc Hàng Da - Quán Sứ bị sạt mái, ông đành chuyển hoạt động về quê Mục Xá, Thanh Oai. Từ 1943, hoạt động của ông chủ Tân Dân tiêu điều dần.
*          *
Vũ Đình Long mất ngày 14-8-1960 ở tuổi 64. Phải chờ đến công cuộc đổi mới chúng ta mới có dịp nhận lại đầy đủ những đóng góp trên nhiều phương diện của ông. Không chỉ là tác giả của hai vở kịch có giá trị lịch sử vào những năm 1921-1923, qua đó khai sinh nền kịch nói hiện đại, không chỉ là người có quá trình hoạt động rất khỏe và liên tục ngót 40 năm trên nhiều lĩnh vực sáng tác, phóng tác, dịch thuật, Vũ Đình Long còn là người có công tham gia tổ chức, thúc đẩy các hoạt động văn học thời kỳ 1930-1945 theo xu hướng phát triển của đời sống hiện đại.

GS. PHONG  LÊ


[1] 19/12/1896 – 14/8/1960.
[2] Ngọc Giao - Chiêu niệm Vũ Trọng PhụngMới - Xuân Quý Tỵ, H, 1953.

NGUỒN: TẠP CHÍ HỘI NHÀ VĂN 2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét