Tìm kiếm Blog này

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
TIỀN BẠC CHI TIÊU RỒI CŨNG HẾT, CHỮ ĐỂ MAI SAU NGHĨA MÃI CÒN

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

TIỂU THUYẾT THỨ BẢY

TIỂU THUYẾT THỨ BẢY


Tiểu Thuyết Thứ Bảy là ấn phẩm ra đời sớm nhất và tồn tại lâu nhất, đăng tải một số lượng tác phẩm lớn nhất của nhóm Tân Dân. Nếu tính từ số đầu tiên ra ngày 2/6/1934 đến số cuối cùng ra ngày 31/12/1949, bình quân mỗi tuần ra một số thì tổng Tiểu Thuyết Thứ Bảy đã được xuất bản là trên dưới 700 số và tương đương là 700 tiểu thuyết và các truyện ngắn, các bài viết liên quan đến văn chương, học thuật. Đó thực sự là số lượng các ấn phẩm văn hóa khổng lồ của Tiểu Thuyết Thứ Bảy đã đóng góp cho dân tộc.
Tiểu Thuyết Thứ Bảy ra số đầu tiên ngày 2/6/1934 chuyên đăng tiểu thuyết và truyện ngắn. Theo Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam của tác giả Nguyễn Thành (NXB Văn hóa thông tin 2001) thì:
+ Số 1 ra ngày 2.6.1934; số cuối cùng ra năm 1945;
Chủ nhiệm: Nguyễn Thị Hợi; sau là Vũ Đình Long
Tòa soạn: 93 phố Hàng Bông
In ở nhà in Tân Dân. Khổ in 250x160 mm
+ Số 1 bộ mới ra ngày 1.3.1949; số cuối cùng là số 40 ra ngày 31.12.1949; xuất bản 10 ngày một kì
Chủ nhiệm: Vũ Đình Long
In typo khổ 270x195 mm
Sở dĩ trong giai đoạn đầu của Tiểu Thuyết Thứ Bảy đứng tên chủ nhiệm là Nguyễn Thị Hợi, sau mới chuyển lại là Vũ Đình Long do quy định của chế độ công chức đương thời. Bà Nguyễn Thị Hợi là vợ cả của Vũ Đình Long.
Tiểu Thuyết Thứ Bảy có hai giai đoạn phát triển khác nhau là trước và sau 1945.Ở luận văn này chúng tôi chỉ giới hạn nghiên cứu Tiểu Thuyết Thứ Bảy ở giai đoạn từ 1945 về trước, còn giai đoạn sau 1945 Vũ Đình Long có cho tục bản Tiểu Thuyết Thứ Bảy (Bộ mới) không nằm trong phạm vi khảo sát của chúng tôi.
Tôn chỉ hoạt động của Tiểu Thuyết Thứ Bảy được đăng tải rõ ràng ở số 1 như sau:
“Chúng tôi hiến các ngài.
Mỗi ngày thứ bảy, sau một tuần lao động, chúng tôi hiến các bạn độc giả một món quà giá trị: vài ba truyện ngắn, hai thiên tiểu thuyết dài, hoặc tự chúng tôi soạn ra, hoặc dịch theo sách Tây, sách Tàu.
Một thiên tiểu thuyết có giá trị thực là một người bạn hiền. Các ngài đàm luận cùng người bạn hiền ấy, cái hứng thú trong lòng tự nhiên phát sinh, tâm hồn các ngài sẽ cất cao lên trên cái thế giới tầm thường nhơ bẩn là cái cõi nhân sinh vậy.
Một thiên tiểu thuyết có giá trị, dầu thuộc về loại mạo hiểm hay trinh thám, xã hội, hay hoạt kê, nghĩa hiệp, hay ngôn tình... đều có ảnh hưởng sâu xa, tốt đẹp cho tri thức, cho học vấn, cho đạo đức, cho sự lịch duyệt của người đọc.
Tiểu thuyết chẳng những có cái thông dụng giải muộn tiêu sầu, mà chính là một cái lợi khí giáo dục rất tốt vậy.
Chúng tôi tin như thế, nên hết sức thận trọng biên tập, mong rằng những tiểu thuyết mà chúng tôi đem đến các ngài, toàn là bạn hiền của độc giả và gia đình.
CHƯƠNG TRÌNH CỦA BẢN BÁO
Tiểu Thuyết Thứ Bảy chia làm ba phần, phần nào cũng in tờ riêng, đánh số trang riêng, để sau này đóng thành sách cho tiên.
Phần thứ nhất:
Truyện ngắn: phần này cốt hoàn nghênh những văn hay của những tay danh bút trong làng tiểu thuyết hiện thời.
Tuy nhiên, cũng trong phần này, các ngài sẽ đọc những trang dã sử đáng nên ghi chép, những truyện danh nhân nước nhà, những truyện vĩ nhân trong thế giới, những tiểu sử của các dân tộc, những truyện phát minh, những truyện thám hiểm v.v... Những mục ấy các ngài đọc rất thú vị, mà các ngài cho các trẻ em đọc lại càng có ích lắm.
Phần thứ hai:
Tiểu thuyết soạn của Âu, Mỹ. Dầu soạn hay dịch cũng phải là những bộ tiểu thuyết có giá trị, ý vi đậm đà, nghĩa lí sâu xa, người đọc không chán. Về sách dịch, chúng tôi có ý thiên về những giáo dục tiểu thuyết, xã hội tiểu thuyết và mạo hiểm tiểu thuyết.
Phần thứ ba:
Tiểu thuyết Tàu. Tiểu thuyết Tàu nhiều người ham đọc nên tất phải có. Phần này lựa chọn rất kỹ, bao nhiêu những tiểu thuyết Tàu hay có giá trị, sẽ lần lượt dịch đăng. Về phần này, chúng tôi thiên về những nghĩa hiệp tiểu thuyết và lịch sử tiểu thuyết.
Cùng bạn làng văn:
Tiểu Thuyết Thứ Bảy là cái văn đàn công cộng của các nhà tiểu thuyết hiện thời, dám mong các bạn trong làng tiểu thuyết sẵn lòng tô điểm cho cái văn đàn ấy sinh sắc (lược đoạn cuối về chuyện thể lệ gửi bài)” (Tiểu Thuyết Thứ Bảy, số 1 – Dẫn theo 13 năm tranh luận văn học – Thanh Lãng, NXB Giáo Dục 1995, tr.11-12)
Dựa vào chương trình hoạt động của Tiểu Thuyết Thứ Bảy như trên chúng tôi rút ra một số kết luận sau:
1). Trước hết Tiểu Thuyết Thứ Bảy ra đời nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của độc giả vào cuối tuần, như là một món ăn tinh thần với thành phần chủ đạo là tiểu thuyết, bên cạnh đó là truyện ngắn, các bài khoa học thường thức về lịch sử, địa lý, xã hội.... Phạm Thế Ngũ cũng có nhận xét tương tự chúng tôi như sau: “Tờ báo như tên gọi không có khuynh hướng chính trị hoặc làm việc khảo luận gì cả mà chỉ có tiểu thuyết, nhằm mục đích rất thực tiễn là giải trí, mua vui” (Sđd, tr.502).
2). Tiểu Thuyết Thứ Bảy như tên gọi tập trung đăng chủ yếu là các tiểu thuyết (do người Việt viết hoặc dịch lại của Tây, Tàu), truyện dài, thơ, các bài viết khoa học thường thức và những tranh luận học thuật, văn chương nghệ thuật.
3). Tiểu Thuyết Thứ Bảy nhấn mạnh đến mục đích giáo dục, đạo đức: “Một thiên tiểu thuyết có giá trị, dầu thuộc về loại mạo hiểm hay trinh thám, xã hội, hay hoạt kê, nghĩa hiệp, hay ngôn tình... đều có ảnh hưởng sâu xa, tốt đẹp cho tri thức, cho học vấn, cho đạo đức, cho sự lịch duyệt của người đọc”; “Tiểu thuyết chẳng những có cái thông dụng giải muộn tiêu sầu, mà chính là một cái lợi khí giáo dục rất tốt vậy.”; “Chúng tôi tin như thế, nên hết sức thận trọng biên tập, mong rằng những tiểu thuyết mà chúng tôi đem đến các ngài, toàn là bạn hiền của độc giả và gia đình.”; “Những mục ấy các ngài đọc rất thú vị, mà các ngài cho các trẻ em đọc lại càng có ích lắm.”; “Tiểu thuyết soạn của Âu, Mỹ. Dầu soạn hay dịch cũng phải là những bộ tiểu thuyết có giá trị, ý vi đậm đà, nghĩa lí sâu xa, người đọc không chán. Về sách dịch, chúng tôi có ý thiên về những giáo dục tiểu thuyết, xã hội tiểu thuyết và mạo hiểm tiểu thuyết.”
4). Tiểu Thuyết Thứ Bảy không chủ trương độc tôn một quan điểm, chủ nghĩa hay khuynh hướng văn chương nào mà chủ trương đón nhận, thu nạp tất các các phong cách văn chương, chủ nghĩa và là nơi để các tư tưởng ấy cọ xát, tranh luận với nhau bất kể Tân học hay cựu học: “Tiểu Thuyết Thứ Bảy là cái văn đàn công cộng của các nhà tiểu thuyết hiện thời, dám mong các bạn trong làng tiểu thuyết sẵn lòng tô điểm cho cái văn đàn ấy sinh sắc. Trong bài “Văn nghệ” đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 26 ra ngày 24 – 30/11/1934 cũng thể hiện rõ tôn chỉ ấy của báo: “Vì cái khuynh hướng về văn nghệ T.T.T.B đã rộng mở văn thơ, thêm nhà thi sĩ Tản Đà trong bộ biên tập”; “Nay mở thêm mục “Văn nghệ” này, để hoan nghênh những ý kiến của các bạn độc giả, những bài nghiên cứu nghị luận và phê bình về văn chương nhất là về tiểu thuyết và văn thơ”; “Cũng như các mục khác trong bản báo, mục này sẽ theo cái tôn chỉ đứng đắn là cái tôn chỉ của T.T.T.B. Dầu là nơi các bạn làng văn trao đổi ý kiến về văn nghệ, nhưng rất mong ước rằng các bạn nên thể theo cái tôn chỉ của bản báo mà không bao giờ đưa đến những bài có tính cách riêng tây, hoặc cãi lộn nhau vô ích”. (Những chỗ in đậm trên đây là do chúng tôi nhấn mạnh – V.Đ.H).
Ngọc Giao – một cây bút trụ cột của Tiểu Thuyết Thứ Bảy với vai trò là thư ký tòa soạn, viết về Tiểu Thuyết Thứ Bảy như sau: “Hàng tuần: Tiểu Thuyết Thứ Bảy – 60 trang. 4 – 5 truyện ngắn, thơ, truyện dài xã hội, tiểu thuyết dịch Trung Quốc (nội dung võ hiệp để câu độc giả trường kỳ do cụ tú Nguyễn Đỗ Mục (thân phụ họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung) chuyện dịch thuật được độc giả rất ưa thích” (Ngọc Giao, Hà Nội cũ nằm đây, Sđd, tr.251-252). Vào thời điểm Vũ Đình Long cho ra đời tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy thì đây là tờ báo duy nhất trong cả nước chuyên về tiểu thuyết và cũng là tờ báo bán chạy nhất nước. (Vũ Bằng toàn tâp, Triệu Xuân, Sđd, tr.359). Về nội dung của Tiểu Thuyết Thứ Bảy ngay từ đầu Vũ Đình Long đã tính toán để tránh sự đánh thuế của nhà chức trách bằng cách ra dạng báo thay cho sách bởi lẽ không có báo nào mà lại không đăng các mục tin tức, thời sự, bình luận mà chỉ tập trung vào tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ... Nguyễn Công Hoan kể lại như sau: “Tôi hỏi thể tài Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Ông nói báo chỉ đăng tiểu thuyết. Sẽ có truyện dài dịch của Pháp, truyện kiếm hiệp dịch của Tàu, và truyện ngắn của ta viết. Như vậy, độc giả vào hạng nào cũng có mục ưa thích. (...) Tôi hỏi đại ý báo chỉ đăng tiểu thuyết hay có những mục khác, ví dụ như thời sự lớn ở trong nước và thế giới chẳng hạn? Vũ Đình Long cho biết là báo không mở mục đấy”. Sở dĩ Vũ Đình Long quyết định Tiểu Thuyết Thứ Bảy chỉ đăng tiểu thuyết mà không có mục tin tức thời sự là vì có như thế ông mới có thể in sớm để gửi đi khắp các đại lý Đông Dương sao cho sáng thứ bảy nào cũng kịp có báo bán.
Ngay khi ra đời với số lượng in 5000, 6000 hay 7000 bản đều bán hết, rồi dần dần tăng lên 1 vạn bản và hơn nữa, Tiểu Thuyết Thứ Bảy bỗng chốc trở thành địch thủ lớn của Phong Hóa. Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước Tân Biên, phần viết về nhóm Tân Dân cũng phải thừa nhận: “Tiểu Thuyết Thứ Bảy trong liền trong 10 năm, in mỗi số hàng chục ngàn, phát hành khắp Bắc Trung Nam, được độc giả Nam Kỳ đặc biệt hâm mộ”(chỗ in đậm là chúng tôi nhấn mạnh – V.Đ.H) (tr.503). Tiểu Thuyết Thứ Bảy như một trung tâm để thu hút tất cả những cây viết tiểu thuyết đương thời bởi lẽ nó không phân biệt đề tài hay khuynh hướng như ở Tự lực văn đoàn. “Tiểu Thuyết Thứ Bảy như một hãng buôn truyện, đã đăng bất cứ một truyện gì về loại nào, miễn là có truyện và văn viết sạch sẽ” (Nguyễn Công Hoan, Đời viết văn của tôi, Sđd, tr.189). Mặc dù Tiểu Thuyết Thứ Bảy dung nạp nhiều loại tiểu thuyết như vậy song không phải bất cứ truyện gì cũng đăng để tranh độc giả bằng mọi cách. Như có người đã ví, Tiểu Thuyết Thứ Bảy là tờ báo của mọi gia đình lễ giáo, nên tuyệt nhiên những tác phẩm nào có tính lãng mạn cực đoan hay khiêu dâm không được Tiểu Thuyết Thứ Bảy đăng tải. Nguyễn Công Hoan thừa nhận: “Thấy báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy không làm hại độc giả, trong khi một vài tờ báo khác nữa đi quá mức lãng mạn đến chỗ khiêu dâm để tranh độc giả như Hà Nội báo, Tiểu Thuyết Thứ Ba, Tiểu Thuyết Thứ Năm v.v...” (Nguyễn Công Hoan, Đời viết văn của tôi, Sđd, tr.193).
Vào ngày 7/6/1941 bên cạnh Tiểu Thuyết Thứ Bảy còn có thêm PHỤ TRƯƠNG TIỂU-THUYẾT THỨ BẢY. Tập phụ-trương này, ra đời nhằm vào ngày kỷ-niệm đệ thất chu niên của T.T.T.B. Mỗi tuần ra một số 24 trang giá 5 xu.
Tiểu Thuyết Thứ Bảy như là một tờ báo trung tâm của đời sống văn học Việt Nam trước cách mạng tháng Tám nhưng nó dần kết thúc vai trò lịch sử của mình vào thời điểm phát xít Nhật đánh Pháp. Lúc này nhà Tân Dân đóng cửa Phổ Thông Bán Nguyệt San và Truyền Bá, cơ sở từ 93 Hàng Bông chuyển về Mục Xá – Hà Đông và chỉ còn lại tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy. “Cọc cạch chỉ còn lại Tiểu Thuyết Thứ Bảy ra khổ 45x30, nghiêng về chánh trị, rồi lại ra khổ 7,5x11 chuyên về nghiên cứu văn học, nhưng trong suốt thời gian Nhật thuộc Tiểu Thuyết Thứ Bảy không còn cách nào sống lại được những buổi huy hoàng khi trước nữa” (Tuyển tập Vũ Bằng, Sđd, tr.380).
Tiểu Thuyết Thứ Bảy khi ra đời được Vũ Đình Long giao cho Ngọc Giao  rồi về sau là Vũ Bằng làm thư ký tòa soạn.
Các cây bút chủ lực của Tiểu Thuyết Thứ Bảy hầu hết đều là những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam sau này: Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Ngọc Giao, Thanh Châu, Vũ Bằng, Nam Cao, Nguyên Hồng.... 
© 2012 Blog NXB Tân Dân

12 nhận xét:

  1. toi co' the doc tieu thuyet thu' 7 o dau ?

    Trả lờiXóa
  2. NXB Tân Dân: bạn có thể tìm đọc TTTB tại phòng đọc báo và tạp chí của Thư viện quốc gia Việt Nam hoặc tại một số thư viện tư nhân. Bạn có thể cho mình biết bạn ở đâu thì mình sẽ mách cho bạn nơi gần nhất bạn có thể đến để tìm đọc TTTB nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin hỏi các cô chú cháu đang tìm tiểu thuyết thứ 7- lưu trong tủ - số 210 tháng 4 năm 1938 cháu có thể đọc nó ở đâu ạ. Cháu tìm rất lâu rồi nhưng không tìm đc mong các cô chú anh chị đọc đc có thể chỉ giúp

      Xóa
    2. Kính chào bạn. Có 2 nơi mà bạn có thể đến để tìm rất khả thi: đầu tiên là Thư viện quốc gia ở Tràng Thi và thứ hai là thư viện của Viện văn học ở Lý Thái Tổ.

      Xóa
  3. Tôi đang ở Hà Nội. Tôi có vào thư viện quốc gia nhưng hiện tại báo này đang được kiểm kê, ko tiếp cận được. Vậy xin hỏi anh, ngoài TVQG tôi có thể đọc TTTB ở đâu ạ?

    Trả lờiXóa
  4. Tôi đã từng đọc cuốn sách tổng hợp những chuyện ngắn trong thời kỳ này cách đây khoảng 10 năm. Nhưng không còn nhớ tên nữa ,chỉ mang máng là tiểu thuyết thứ bảy hoặc tiểu thuyết thứ năm ...trong đó có chuyện ngắn " một cái hôn " hoặc là "một chiếc hôn".
    Tôi rất muốn đọc lại cuốn sách đó xin anh có thể chỉ dẫn cho tên cuốn sách và có thể mua ở đâu ? Xin chân thành cảm ơn !

    Trả lờiXóa
  5. NXB Tân Dân: thưa anh Tuan Nguyen, tôi đã thử tra cứu lại một số tài liệu tôi có nhưng chưa xác định được truyện ngắn mà anh yêu cầu nằm ở cuốn sách nào. Anh có thể tìm đọc các cuốn sách như:
    1. Hội đồng biên tập (1981), Tổng tập văn học Việt Nam, tập 30 A, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
    2. Hội đồng biên tập (1982), Tổng tập văn học Việt Nam, tập 30 B, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
    3. Hội đồng biên tập (1997), Tổng tập văn học Việt Nam, tập 29 C, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
    4. Hội đồng biên tập (1997), Tổng tập văn học Việt Nam, tập 29 D, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
    có thể sẽ tìm thấy tác phẩm anh quan tâm.
    Cảm ơn anh đã đọc blog NXB Tân Dân

    Trả lờiXóa
  6. gửi anh Vũ Đức Hoan, hiện tại em đang tìm hiểu về minh họa Tiểu Thuyết Thứ 7 , anh có thể cho em 1 cách thức liên lạc để có thể tìm hiểu và trao đổi thêm không ạ, em cám ơn anh , email em : Tranthytra@gmail.com

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn liên lạc với mình qua email: Evdipbo@gmail.com nhé

      Xóa
  7. Tôi xin được hỏi chuyện vị nào biết Tiểu thuyết thứ bảy xuất bản ở Sài Gòn khoảng năm 1960. Tôi có người bạn thơ bút danh Hoàng Mai Linh có bài thơ nhan đề Bài thơ mù u trên tạp chí này ( tôi nhớ không rõ số 3 hay số 4 gì đó ) . Hiện nay tôi bị mất liên lạc với bạn thơ Hoàng Mai Linh và cũng mất luôn dấu tích bài thơ cùng tạp chí TTT7 mà lứa tuổi chúng tôi rất yêu thích. Tôi hy vọng dòng tin mong manh này sẽ gặp được người đồng cảm và sẻ chia. Xin đa tạ.-Nguyễn Hồ - triet70@gmail.com.

    Trả lờiXóa
  8. bác post TTTB vào cho bà con đọc tiện hơn

    Trả lờiXóa
  9. xin hỏi vào đâu để đọc các tác phẩm tiểu thuyết ạ

    Trả lờiXóa